UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến về tổng kết công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; triển khai đề án sản xuất vụ hè thu năm 2023. Dự hội nghị tại điểm cầu thị xã Kỳ Anh có đồng chí Nguyễn Văn Chung - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND thị xã, có đại diện phòng, ban, ngành liên quan, lãnh đạo UBND 11 xã, phường.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thị xã Kỳ Anh
Hà Tĩnh có 359.785 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh đã giao 325.526 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý; diện tích chưa giao đang do UBND xã quản lý 34.258 ha. Năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 7 điểm phát lửa. Các điểm phát lửa, các vụ cháy rừng đã được địa phương, chủ rừng phát hiện sớm, tổ chức báo cháy đúng quy định, chữa cháy kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các đồng chí Nguyễn Văn Chung - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh và đồng chí Đào Đức Giang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh chủ trì hội nghị
Năm 2022, thiên tai đã làm 2 người chết do sét đánh, 2 người bị thương do mưa lũ; 162 ha diện tích hoa màu, 187 ha cây trồng hàng năm, 2.016 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi….Tổng thiệt hại ước tính khoảng 220 tỷ đồng.
Triển khai nhiệm vụ năm 2023, Hà Tĩnh đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích 217.327 ha rừng tự nhiên hiện có; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 trên 52%.
Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, năm 2023, tình hình thiên tai sẽ diễn biến phức tạp. Các cơn bão nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh ta, nắng nóng có khả năng diễn ra gay gắt hơn các năm.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” khi xảy ra các vụ cháy rừng; chủ rừng cần phát huy trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trung ương, của tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, củng cố mạng lưới thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống. Ngành NN&PTNT cùng các địa phương xây dựng kế hoạch điều tiết nước cụ thể cho vụ sản xuất hè thu năm 2023; sử dụng nhóm giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, phấn đấu gieo cấy xong lúa hè thu trước ngày 10/6.