Nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, thị xã Kỳ Anh đã chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh thí điểm nhiều mô hình khuyến nông, khuyến ngư, bước đầu đem lại những kết quả tích cực, được người dân hưởng ứng và nhân rộng.

Vụ hè thu năm nay, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện khảo nghiệm giống lúa SV181 trên diện tích 2 ha tại xứ đồng Hồ Thanh niên thôn Hoa Đông xã Kỳ Hoa. Qua sản xuất cho thấy: đây là giống lúa thơm ngắn ngày, siêu năng suất, chất lượng gạo thơm ngon, phổ thích ứng rộng; chống chịu rét, chịu nóng, chống đổ, lúa thơm có thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, thích hợp với đồng đất bạc màu, chất lượng gạo thơm ngon, năng suất ước đạt 55 tạ/ ha.

Giống lúa SV81 trồng thí điểm tại thôn Hoa Đông - xã Kỳ Hoa cho năng suất cao.

Giống lúa SV 181 là giống tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đáp ứng được tiêu chí sản xuất thích hợp với mọi chất đất, sau khi đi kiểm tra thực tế, Trung tâm đã tiến hành hội thảo đầu bờ và đánh giá cao hiệu quả của giống lúa SV 181 được sản xuất thử nghiệm tại xã Kỳ Hoa, thời gian tới, có thể tiếp tục sản xuất và nhân rộng ra trên địa bàn thị xã và các huyện khác trong tỉnh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích.

Tại các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh là địa phương ở vùng bãi ngang ven biển, có nhiều cửa sông, cửa lạch thuận tiện cho phát triển mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương bằng bè.  Đây là mô hình được phát triển  theo chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của thị xã Kỳ Anh nhằm giúp người dân địa phương phát triển lợi thế sản xuất vùng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tăng  thu nhập. Thực tế cho thấy, các mô hình hàu sữa, hàu đại dương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá lồng bè cho người dân thu nhập ổn định.

 Bên cạnh đó, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh hiện nhiều mô hình nuôi cá lồng bè như cá hồng mỹ, cá mú, cá chim vây vàng, cá bống bớp... tại các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi... Mỗi năm đem lại khoảng gần 100 triệu tiền lãi/ vụ nuôi. Các mô hình này chủ yếu cung cấp cho các bè nổi Cảng Vũng Áng. Nuôi cá lồng bè là một trong những mô hình mang lại lợi nhuận khá cao cho người dân, tận dụng được diện tích mặt nước, thức ăn sẵn có tại địa phương, thị trường tiêu thụ rộng, được người nông dân phát triển và nhân rộng. 

Tận dụng diện tích ao hồ mặt nước trên lòng hồ Sông Trí đoạn qua xã Kỳ Hoa với lợi thế nguồn nước sạch, ổn định đang được người dân địa phương khai thác tiềm năng, xây dựng các mô hình sản xuất. Năm 2017, được địa phương vận động, hỗ trợ tiếp cận chính sách phát triển sản xuất và sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của thị xã Kỳ Anh, xã Kỳ Hoa đã xây dựng 2 mô hình nuôi cá lồng bè trên sông đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao. Các loại cá được các gia đình đưa vào nuôi thả đó là cá chép, cá lăng, cá diêu hồng. Qua thực tế, mô hình  nuôi cá lồng bè trên Sông Trí đang mang lại giá trị kinh tế cao, cứ lứa này gối lứa khác, bình quân mỗi năm xuất bán khoảng trên 10 - 12 tấn cá các loạị. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích các hộ dân đầu tư, mở rộng quy mô diện tích.

Giống cây trồng, vật nuôi mới được người dân mạnh dạn nuôi trồng.

Những năm qua, được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật - bảo vệ, cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh, nhiều nông dân đã mạnh dạn đưa các giống cây, giống con mới, có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi để dần thay thế các loại cây, con khác.

Mô hình nuôi ếch, lươn của gia đình anh Danh cho hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu như mô hình nuôi ếch, lươn của Anh Đặng Đình Danh ở xã Kỳ Nam. Ngoài gieo ươm hàng trăm gốc mai giống, được sự hướng dẫn về khoa học kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT- bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã, anh Danh đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại khép kín trên diện tích 200 m2, thả nuôi 3 nghìn con ếch, 15 nghìn con lươn không bùn thương phẩm, hiện mô hình đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao. 

Nhiều gia đình mở rộng quy mô nuôi lợn nhờ có sự hỗ trợ của kỹ thuật từ Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật - bảo vệ cây trồng vật nuôi.

Qua thực tế thử nghiệm các mô hình trên địa bàn thị xã Kỳ Anh do Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật - bảo vệ, cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh hướng dẫn cho thấy: các mô hình nuôi trồng thủy sản đã khai thác, mở rộng diện tích mặt nước, đa dạng hoá các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm, nghêu, lươn, ếch, cá chẽm, cá hồng mỹ, cá chim vi vàng, cá mú, cá bớp,  ốc hương, nuôi tôm thâm canh trên ao vỗ bờ bằng xi măng, ao lót bạt…. các mô hình chăn nuôi lợn, gà có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các mô hình trồng cây dược liệu như cà dây leo, chè vằng đang là hướng đi mới đầy triển vọng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh. 

Từ phương thức sản xuất truyền thống, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đưa kinh tế ngày càng phát triển.

Thời gian qua, thị xã Kỳ Anh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng các mô hình theo hướng phát huy lợi thế so sánh của các vùng sinh thái. Đến nay, thị xã Kỳ Anh có 497 mô hình mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả, trong đó, có 205 mô hình chăn nuôi, 143 mô hình nuôi trồng thuỷ sản, 149 mô hình trồng trọt… có nhiều mô hình có doanh thu đạt khá cao. 

Bà Lê Thị Thanh Hường - Giám đốc Trung tâm UDKHKT- BVCTVN Thị xã Kỳ Anh cho biết : “Có thể thấy, với việc thực hiện có hiệu quả các mô hình trình diễn đã góp phần quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân.  Thông qua những mô hình khuyến nông, khuyến ngư, đã có hàng trăm hộ dân được tiếp cận với phương thức sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Nhờ đó, nông dân dần thay đổi tư duy làm kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”.

Tuy nhiên muốn phát triển bền vững thì các cấp chính quyền địa phương có các cơ chế, chính sách, sự kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút các nguồn lực và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất,  mối liên kết “4 nhà” cần có sự gắn kết chặt chẽ và phát huy hiệu quả hơn nhằm góp phần phát triển kinh tế ở địa phương một cách bền vững. 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Kỳ Anh
     Liên kết website
    Thống kê: 2.210.152
    Online: 53