Thị xã Kỳ Anh vùng đất phía nam của Hà Tĩnh, nơi được coi là ống gió, chảo lữa, túi mưa, thiên tai khắc nhiệt song con người nơi đây, luôn cần cù chịu khó, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no. Trong chặng đường phát triển của ngày hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ. Dù ở lĩnh vực nào, chị em phụ nữ đều năng động, dám nghĩ, dám làm đi đầu trong phát triển kinh tế.
Phát huy tiềm năng lợi thế ở các xã vùng ven biển, chị em phụ nữ ở xã Kỳ Ninh đã khởi nghiệp từ nghề chế biến thủy hải sản, mà nỗi bật đó là hình thành và phát triển nghề chế biến nước mắm. Từ chỗ chỉ sản xuất quy mô nhỏ lẽ, đến nay, nhiều mô hình đã sản xuất hàng nghìn lít nước mắm mỗi năm, không chỉ tạo được chỗ đứng và thương hiệu trên thị trường, mà nước mắm Kỳ Ninh giờ đây đã đạt tiêu chuẩn OCOP, tiêu biểu như nước mắm Luận Nghiệp, Nhất Ninh, Trang Hương, Khoàn Minh, Diện Xuân.

Chế biến nước mắm ở các xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà
Với sự tâm huyết đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu nước mắm của địa phương, Cơ sở sản xuất nước nước mắm Bà Thinh ở xã Kỳ Hà ngày càng khẳng định chất lượng, được người tiêu dùng tin chọn. Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của vùng biển Kỳ Ninh, bà Trần Thị Thinh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng từng bước xây dựng thương hiệu nước mắm cho riêng mình. từng bước đưa sản xuất vào quy cũ, theo hướng công nghiệp. Bình quân mỗi năm, cơ sở tiêu thụ hơn 5.000 lít nước mắm ở các địa bàn trong tỉnh và ngoài có mặt ở nhiều địa phương trong nước. Từ thành công ban đầu, bà Trần Thị Thinh tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tiến tới nâng tầm sản phẩm.
Không chỉ đi đầu trong chế biến nước mắm, chị em phụ nữ còn khai thác tiềm năng ao hồ mặt nước để đầu tư phát triển các mô hình nuôi cá lồng bè tiêu biểu như chị Trương Thị Hồng ở xã Kỳ Hoa. Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ một số mô hình nuôi cá lồng bè trong tỉnh, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi cá lồng bè ở thượng nguồn Sông Trí. Với số vốn 250 triệu đồng, chị đã đầu tư làm 10 lồng bè để nuôi cá điêu hồng, cá lóc, cá leo, cá lăng, cá chình… Sau hơn 04 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè, đến nay, gia đình chị đã mở rộng nuôi 18 lồng bè, năng suất bình quân từ 2-3 tấn/lồng bè, bình quân mỗi năm cho thu hoạch gần 35 tấn, đem lại cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Phụ nữ thị xã Kỳ Anh đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi
Tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch lúa để trồng nấm, chị Phạm Thị Thương Huyền ở thôn Hoa Trung xã Kỳ Hoa đã trồng nấm sò trong nhà kín. Qua trồng và chăm sóc cho thấy trồng nấm sò nhà kín khác nhiều so với trồng bên ngoài, nhất là vào những tháng mùa mưa thì không phải lo lắng rơm bị ướt, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây nấm. Thành công bước đầu của mô hình trồng nấm là động lực để chị Huyền tiếp tục xây thêm nhà xưởng để nhân rộng phát triển mô hình nấm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khởi nghiệp cách đây hơn 5 năm với nghề sản xuất giò chả, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng –TDP 2, phường Hưng Trí đã nhận thức rõ giò chả vốn là món ăn truyền thống thân thuộc, gắn liền với đời sống của người dân. Do đó, quá trình sản xuất giò chả chị Nguyễn Thị Hồng được tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn nguyên liệu khâu chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, sản phẩm Giò chả của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng đã trở thành thực phẩm an toàn, chất lượng từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Mạnh dạn đầu tư nuôi gà đẻ trứng với quy mô lớn, chị Nguyễn Thị Thái ở TDP Trường Sơn, phường Kỳ Thịnh đã trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Sau khi đi tham quan mô hình nuôi gà đẻ trứng ở một số địa phương trong tỉnh, gia đình chị Thái quyết định chuyển đổi sang mô hình nuôi gà siêu trứng. Từ nguồn vốn tích cóp của gia đình, vốn vay mượn thêm, gia đình chị đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi gà đẻ trứng khép kín kiên cố. Khởi nghiệp từ gần 1.000 con gà đẻ trứng, nhận thấy gà dễ nuôi lại cho hiệu quả kinh tế cao. Từ nhiều năm nay, trang trại của gia đình chị Thái trở thành địa chỉ cung cấp trứng cho tiểu thương tại các chợ, các đại lý và bếp ăn trên địa bàn .

Phụ nữ thị xã Kỳ Anh phát triển các cơ sở làm bánh chưng, bánh tét
Để góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Chị Mai Thị Phương ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế sản xuất chả cá thu Sơn Phương. Năm 2022, gia đình chị Phương đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc công nghệ chế biến hiện đại để sản xuất và chế biến chả cá thu, bình quân mỗi ngày, cơ sở đã sản xuất và chế biến 2- 3 tạ cá thu, hàng tháng xuất bán ra thị trường hàng trăm tạ chả cá thu. Mô hinh chả cá thu từ lâu đã là một mô hình rất tiềm năng bởi vì nó có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, đặc biệt, mô hình đã tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên, và thu mua nguồn thủy hải sản cho hàng trăm hộ ngư dân trong và ngoài địa bàn. Nhờ thực hiện tiêu chí sạch – an toàn chất lượng, giá thành hợp lý nên sản phẩm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó đồng thời, hướng xây dựng thương hiệu chả cá thu trở thành sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2022.
Còn chị em phụ nữ ở các vùng tái định cư như phường Kỳ Phương, Kỳ Long lại phát triển và đi lên từ nghề sản xuất bún. Với một hệ thống máy móc từ máy vo gạo, máy ủ gạo đến xay bột, máy hấp bún, phở… đều được đầu tư đồng bộ. Vốn chịu thương chịu khó, mạnh dạn tìm tòi học hỏi đầu tư làm ăn, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo khâu VSATTP nên cơ sở sản xuất bún, bánh phở của chị em phụ nữ ở các vùng tái định cư ngày một phát triển, có chỗ đứng trên thị trường. Không những giải quyết việc làm cho bản thân, anh chị còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.

Chị em phụ nữ ở phường Kỳ Phương phát triển nghề làm bún bánh
Với mong muốn làm ra sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng, sau khi về nghỉ hưu, chị Lê Thị Cẩm Vân đã đầu tư xây dựng cơ sở Đông trùng hạ thảo Hưng Hà Vân tại Tổ dân phố 2, phường Hưng Trí, bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt. Nhờ tìm hiểu các tài liệu, học hỏi cách nuôi cấy nấm Đông trùng hạ thảo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tham khảo kiến thức của bạn bè cũng như đi tìm hiểu thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trong cả nước. Đầu năm 2020, chị đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2020, cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng. Năm 2021, doanh thu cũng ước gần 600 triệu đồng. Với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, khẳng định được giá trị sản phẩm Đông trùng hạ thảo Hưng Hà Vân bằng thương hiệu sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động của địa phương.

... Chị em phụ nữ ở phường Kỳ Long phát triển nghề làm bún bánh
Còn chị Nguyễn Thị Cúc ở TDP 1, phường Hưng Trí lại tìm cho mình một hướng đi riêng đó là nghề làm bánh chưng. Trước đây, vợ chồng chị rất khó khăn nhưng chăm chỉ, chịu khó tiếp nối nghề truyền thống của ông cha nên vợ chồng chị đã nuôi được các con lớn khôn, cuộc sống gia đình ấm no, thu nhập riêng dịp Tết lên đến hàng chục triệu đồng. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, nghề làm bánh chưng của gia đình chị còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động vào các dịp lễ tết.
Không chỉ đi đầu trên lĩnh vực nông nghiệp, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn thị xã Kỳ Anh còn năng động, mạnh dạn đầu tư xây dựng khách sạn và dịch vụ nhà hàng ăn uống, cưới hỏi. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tuyết Anh. Là một nữ giám đốc Doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Tuyết luôn tâm niệm khách hàng là yếu tố hàng đầu nên nhà hàng dịch vụ ăn uống, phục vụ cưới hỏi của chị tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Phụ nữ thị xã Kỳ Anh ra mắt mô hình "5 không, 3 có"
Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ; những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành; Hội phụ nữ các cấp đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tiếp sức cho cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp cận KHKT, sản xuất sản phẩm hàng hóa, an toàn theo chuẩn OCOP, phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, hỗ trợ chị em tham gia các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, các diễn đàn nhằm trang bị kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng kinh doanh, định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ có khả năng, điều kiện khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tiếp sức để chị em tham gia các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã không ngừng chủ động khai thác các nguồn lực từ nguồn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội; Quỹ phát triển phụ nữ, Quỹ vì phụ nữ nghèo để tiếp sức cho hội viên, phụ nữ phát triển nhiều mô hình kinh tế, thành lập nhiều THT, HTX góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ trên địa bàn.
Sự tiếp sức của hội phụ nữ các cấp ở thị xã Kỳ Anh trong thời gian qua đã tạo môi trường thuận lợi để chị em phụ nữ vượt qua rào cản tự tin làm chủ, khẳng định chính mình. Hoạt động hỗ trợ, tiếp sức phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội phụ nữ thị xã Kỳ Anh đã mở ra nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ vươn lên ổn định cuộc sống, tự chủ về kinh tế, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội./.