Tại Khoản 1, Điều 11, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng quy định như sau: “Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao)”. Tại Khoản 2, điểm 2.1, Điều 13, Quy định 22-QĐ/TW quy định: "Đảng viên vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật”. UBKT Thị ủy tổng hợp, trao đổi để cán bộ làm công tác kiểm tra 2 cấp nắm vững và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định, quy trình trong việc thi hành kỷ luật đảng viên tại Chi bộ.

    

UBKT Thị ủy khóa II họp xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm

    Chi bộ có thẩm quyền quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao). Nếu phải xử lý kỷ luật cao hơn, chi bộ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Khi đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thuộc thẩm quyền chi bộ quyết định thì chi bộ phải tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.

    * Việc xem xét, thi hành kỷ luật của chi bộ được tiến hành theo trình tự như sau:

    1- Chi bộ ban hành quyết định và kế hoạch kiểm tra xem xét, thi hành kỷ luật và nội dung yêu cầu đảng viên vi phạm làm bản kiểm điểm. Nếu qua giải quyết tố cáo hoặc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm kết luận đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì chi bộ ban hành kế hoạch xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên, chi bộ không ban hành quyết định thành lập tổ kiểm tra mới mà sử dụng tổ kiểm tra giải quyết tố cáo hoặc tổ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để tiến hành kiểm tra xem xét, thi hành kỷ luật.

    2- Đại diện cấp ủy chi bộ (nếu chi bộ có chi ủy) hoặc bí thư chi bộ và tổ kiểm tra tiến hành làm việc với đảng viên vi phạm để triển khai quyết định, kế hoạch; yêu cầu, hướng dẫn đảng viên vi phạm chuẩn bị bản tự kiểm điểm; thống nhất lịch trình kiểm tra xem xét, xử lý kỷ luật (có biên bản làm việc).

    3- Đảng viên vi phạm làm bản kiểm điểm (nêu rõ nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, tác hại của vi phạm, tự nhận hình thức kỷ luật) và gửi cho tổ kiểm tra.

    4- Tổ kiểm tra tiến hành thẩm tra, xác minh những nội dung cần thiết; chuẩn bị báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật.

    5- Trước khi tổ chức họp chi bộ, đại diện chi ủy (nơi có chi ủy) hoặc đồng chí bí thư chi bộ và tổ kiểm tra làm việc với đảng viên vi phạm để nghe đảng viên trình bày ý kiến (có biên bản làm việc).

    6- Tổ chức hội nghị chi bộ để xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm:

    + Đảng viên vi phạm trình bày bản tự kiểm điểm.

    + Tổ kiểm tra báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh.

    + Chi bộ thảo luận, kết luận về nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (nếu có) và biểu quyết hình thức kỷ luật (bằng phiếu kín). Nếu kết quả biểu quyết đủ số phiếu cho một hình thức kỷ luật (khiển trách hoặc cảnh cáo) thì quyết định thi hành kỷ luật của chi bộ có hiệu lực ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiếu biểu quyết.

    + Trong vòng 10 ngày, chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) ban hành quyết định kỷ luật giao cho đảng viên bị kỷ luật, báo cáo cấp trên và lưu hồ sơ. Quyết định thi hành kỷ luật của chi bộ (trong đảng bộ bộ phận, trong đảng bộ cơ sở) được đóng dấu của đảng ủy cơ sở vào phía trên, góc trái của văn bản.

    7- Tổ chức công bố và bàn giao quyết định kỷ luật cho đảng viên (lập biên bản công bố và bàn giao quyết định kỷ luật).

    8- Trường hợp đảng viên vi phạm từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam thì chi bộ vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên bị kỷ luật từ chối không nhận quyết định kỷ luật thì ghi vào biên bản, quyết định kỷ luật vẫn có hiệu lực thi hành.

    9- Báo cáo việc thi hành kỷ luật lên cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên; lập và lưu trữ hồ sơ kỷ luật; đôn đốc việc chấp hành quyết định kỷ luật; giúp đỡ đảng viên bị thi hành kỷ luật sửa chữa khuyết điểm, vi phạm.

    10- Nếu chi bộ biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật cách chức hoặc khai trừ đối với đảng viên vi phạm thì cấp ủy hoặc bí thư chi bộ hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo lên tổ chức đảng cấp trên để xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.

    * Hồ sơ kỷ luật đảng viên, gồm:

    - Quyết định xem xét, xử lý kỷ luật.

    - Kế hoạch xem xét, xử lý kỷ luật và nội dung yêu cầu đảng viên vi phạm kiểm điểm của chi bộ.

    - Báo cáo tự kiểm điểm của đảng viên vi phạm.

    - Báo cáo thẩm tra, xác minh của tổ kiểm tra.

    - Tài liệu thẩm tra, xác minh của tổ (nếu có).

    - Biên bản làm việc với đảng viên vi phạm trước khi chi bộ họp, xem xét.

    - Phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật.

    - Biên bản kiểm phiếu biểu quyết.

    - Biên bản họp chi bộ.

    - Quyết định thi hành kỷ luật của chi bộ.

    - Biên bản giao quyết định kỷ luật (trường hợp đảng viên vi phạm vắng mặt trong hội nghị chi bộ xem xét, xử lý kỷ luật).

    - Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của chi bộ (báo cáo cho tổ chức đảng có thẩm quyền) nếu hình thức đề nghị thi hành kỷ luật vượt thẩm quyền của chi bộ (nếu thực hiện bước này thì không có quyết định thi hành kỷ luật và biên bản bàn giao quyết định thi hành kỷ luật).

UBKT Thị ủy kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ KTGS, thi hành kỷ luật Đảng tại Đảng ủy, UBKT Đảng ủy xã Kỳ Lợi

    * Một số lưu ý trong thi hành kỷ luật đảng viên của Chi bộ:

    - Quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo của chi bộ đối với cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý phải báo cáo lên cấp ủy mà đảng viên đó là thành viên và cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý cán bộ đó.

    - Đối với cấp ủy viên các cấp sinh hoạt tại chi bộ, từ cấp ủy viên đảng ủy cơ sở cho đến Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, nếu vi phạm nhiệm vụ do cấp trên giao phải áp dụng hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên thì chi bộ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    - Nếu đảng viên vi phạm kỷ luật có lý do chính đáng không thể trực tiếp kiểm điểm trước chi bộ thì phải báo cáo bằng văn bản và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định kỷ luật của cấp có thẩm quyền. Nếu từ chối kiểm điểm thì chi bộ vẫn tiến hành xem xét, xử lý.

    - Sau khi xem xét, kết luận, chi bộ phải biểu quyết quyết định hoặc biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật cụ thể bằng phiếu kín. Nếu kết quả biểu quyết không kỷ luật thì phải báo cáo tổ chức đảng cấp trên. Trường hợp kết quả biểu quyết quyết định các hình thức kỷ luật cụ thể mà không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức kỷ luật nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định thì lấy hình thức kỷ luật đó để quyết định.

    Trường hợp đã cộng dồn phiếu nhưng không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định (trên một nửa với hình thức khiển trách, cảnh cáo so với tổng số đảng viên chính thức của chi bộ, trừ số đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt tạm thời ở đảng bộ khác và đảng viên được miễn sinh hoạt đảng không có mặt ở hội nghị - nếu đảng viên đó có mặt ở hội nghị, tham gia biểu quyết thì vẫn tính) thì chi bộ báo cáo đầy đủ hồ sơ để tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên xem xét, quyết định. Quyết định của cấp có thẩm quyền phải được chấp hành nghiêm chỉnh. Không cộng dồn phiếu đối với việc biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật.

    - Đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh, không có ngoại lệ; vi phạm đến mức khai trừ thì phải đề nghị khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải đề nghị cách chức, không đề nghị thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì đề nghị xóa tên trong danh sách đảng viên.

    - Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm điều trị nội trú tại bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên có xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.

    - Trường hợp chi bộ chỉ có bí thư, nếu bí thư chi bộ bị xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của chi bộ thì bí thư chi bộ báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp để cử đại diện chủ trì hội nghị xem xét, kỷ luật. Sau khi biểu quyết kỷ luật, chậm nhất 10 ngày, chi bộ báo cáo kết quả để tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật.

    - Trường hợp tất cả cấp ủy viên của chi bộ đều bị thi hành kỷ luật thì chi bộ báo cáo để tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên quyết định.

    - Trường hợp đảng viên vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao hoặc nội dung vi phạm liên quan đến bí mật của Đảng, Nhà nước mà chi bộ không biết; đảng viên vi phạm trước khi chuyển sinh hoạt đến chi bộ; đảng viên vi phạm trong cùng một vụ án có liên quan nhiều cấp, nhiều người... thì do cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    - Đảng viên sinh hoạt tạm thời tại chi bộ vi phạm kỷ luật, nếu thuộc thẩm quyền của chi bộ, thì chi bộ xem xét, xử lý kỷ luật tới mức cảnh cáo. Sau khi xử lý kỷ luật phải thông báo bằng văn bản cho cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt chính thức biết.

    Trường hợp phải xử lý ở mức cao hơn, chi bộ báo cáo cho đảng ủy để đảng ủy thông báo bằng văn bản về nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm để cấp ủy nơi quản lý chính thức đảng viên đó xem xét, xử lý kỷ luật (nếu là chi bộ cơ sở thì báo cáo cho cấp ủy cấp trên trực tiếp); đồng thời báo cáo với cấp ủy cấp trên của tổ chức đảng nơi quản lý chính thức đảng viên đó biết và chỉ đạo việc xử lý.

    Trường hợp đảng viên có vi phạm ở tổ chức đảng chính thức, sau khi chuyển sinh hoạt đảng tạm thời mới bị phát hiện thì do cấp ủy quản lý chính thức đảng viên đó xem xét, quyết định.

    - Trường hợp đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật của chi bộ, thì đảng viên có quyền gởi đơn khiếu nại kỷ luật đảng đến tổ chức đảng cấp trên để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi chi bộ công bố quyết định kỷ luật.

    - Hồ sơ kỷ luật của chi bộ cơ sở được lưu tại chi bộ. Hồ sơ kỷ luật của chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận hoặc đảng bộ cơ sở được lưu tại đảng ủy cơ sở.                                                   


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Kỳ Anh
     Liên kết website
    Thống kê: 2.715.498
    Online: 55