Chúng tôi đã nhiều lần đến Đèo Ngang theo cách ấy - vào những buổi chiều tà, như năm xưa Bà Huyện Thanh Quan từng đi qua. Như thế, chúng tôi mới cảm nhận được đầy đủ nhất niềm tin tưởng, tự hào về những đổi thay của vùng đất nổi tiếng nghèo đói năm xưa.

Hoành Sơn Quan qua góc máy flycam

Đèo Ngang - dải đất chót cuối của Hà Tĩnh, từ xa xưa đã luôn gợi nhiều xúc cảm. Nằm trên dải núi Hoành Sơn (thuộc dãy Trường Sơn) đâm ngang ra biển Đông nên trong những cuộc chiến chinh, Đèo Ngang trở thành biên trấn vững chãi. Mái Bắc Đèo Ngang là vùng đất thuộc huyện Kỳ Hoa xưa; sau nhiều lần tách nhập địa giới hành chính, đến năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên huyện Kỳ Hoa thành huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Hoành Sơn Quan được vua Minh Mệnh cho xây vào năm 1833 để kiểm soát việc qua Đèo Ngang. Ảnh: Huy Tùng

Từ Hoành Sơn Quan nhìn về phương Bắc, một sức sống mới vừa sôi nổi vừa thâm trầm cứ đồng hiện trong núi, trong biển, trong những sắc màu phố xá, làng quê… Kỳ Anh, trong quá trình kiến tạo địa chất của thiên nhiên đã may mắn sở hữu nhiều thắng cảnh kỳ vỹ; trong quá trình tụ cư đã hình thành nên những đặc trưng văn hóa độc đáo, đã sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, anh hùng hào kiệt. Bởi thế, dẫu có những thăng trầm nhưng đất và người Kỳ Anh chưa bao giờ chịu khuất phục hoàn cảnh.

Di tích giếng cổ Chăm Pa ở xã Kỳ Nam (Ảnh: Thu Trang)

 

Đền Eo Bạch ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh

Nhìn lại lịch sử, bao cuộc xâm lăng của giặc không những không chế ngự được người dân nơi đây mà từ trong những cuộc chiến đấu quyết liệt ấy, truyền thống mảnh đất Kỳ Anh lại được bồi đắp thêm những lớp lang mới. Đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh), giếng cổ Chăm Pa (xã Kỳ Nam), lũy đá cổ (xã Kỳ Lạc), khu mộ hai anh em Lê Quảng Chí - Lê Quảng Ý (phường Kỳ Phương), đền Phương Giai (Kỳ Bắc) - nơi Đảng bộ huyện Kỳ Anh được thành lập... Không chỉ có thế, con người kiên trung, lạc quan, yêu lao động, sản xuất nơi đây cũng đã tạo cho Kỳ Anh nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, như: các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (hát ví Đan Du), hát sắc bùa, chầu văn, trò Kiều…

Những hình ảnh của Đội Dân quân gái Kỳ Phương (Ảnh tư liệu)

 

 

Những giá trị truyền thống ấy như mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí của các thế hệ người Kỳ Anh. Để trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, các thế hệ người dân Kỳ Anh anh dũng, kiên cường lập nhiều chiến công vang dội.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Kỳ Anh được biết đến với nhiều đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Trạm Cảnh sát bảo vệ giao thông; Đồn Biên phòng 112, Công an vũ trang; Đội Dân quân gái Kỳ Phương; dân quân du kích xã Kỳ Tân và 17 xã, phường. Đất Kỳ Anh cũng vang danh nhiều anh hùng, liệt sỹ như: Nguyễn Văn Lộc, Trương Xuân Hòa, Phan Công Nam, Nguyễn Công Trường, Đặng Đình Ghí, Vương Đình Nhỏ. Bên cạnh đó còn có hàng trăm Mẹ Việt Nam anh hùng; hàng nghìn liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách...

 

Một góc trung tâm TX Kỳ Anh nhìn từ trên cao (Ảnh: Huy Tùng)

Trong bóng chiều tà mùa hè, tôi nhìn về vùng đất dưới chân Đèo Ngang, nay là xã Kỳ Nam - nơi từng xuất hiện trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan với hình ảnh nghèo đói, u tịch: “Lom khom dưới núi tiều vài chú. Lác đác bên sông rợ mấy nhà”. Không chỉ riêng thời điểm đó, mãi về sau, Kỳ Nam vẫn là vùng đất nghèo đói, đời sống của người dân vô cùng cơ cực. Trước năm 1990, xã Kỳ Nam có đến gần 80% hộ nghèo; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng không đủ cung cấp lương thực nên tình trạng đói diễn ra thường xuyên. Cả xã chỉ có vài chục con em được học cấp 3, trình độ văn hóa của người dân vô cùng hạn chế.

Xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) từ góc nhìn Đèo Ngang.

Tuy nhiên, cũng như người dân ở các xã khác của huyện Kỳ Anh lúc bấy giờ, người Kỳ Nam đã luôn thể hiện bản chất kiên gan, bền chí. Biết bao thế hệ người Kỳ Nam nói riêng, Kỳ Anh nói chung đã kiên trì, bền bỉ bám đất, bám làng, cần cù lao động, chịu khó học hỏi, tìm tòi, đổi thay, cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ. Họ đã đấu tranh không mệt mỏi với thiên nhiên để biến vùng đất hoang thành ruộng đồng tươi tốt, xóm làng trù phú.

Cuộc sống người dân dưới chân Đèo Ngang đang thay đổi từng ngày (Trong ảnh: Nhà văn hóa thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam)

Kỳ Anh từ năm 2015 tiếp tục được chia tách thành 2 đơn vị hành chính là TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. TX Kỳ Anh ngày nay bao gồm 6 phường và 5 xã; huyện Kỳ Anh gồm 20 xã. Sau khi chia tách, thị xã Kỳ Anh được xác định hướng phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh với việc thu hút các dự án đầu tư lớn, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao.

Huyện Kỳ Anh tập trung khai thác tiềm năng đất đai, lao động, ưu tiên nguồn lực, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa ngành nghề, các mô hình trang trại nông nghiệp, chăn nuôi được đầu tư; tham gia tích cực “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”.

Với việc xác định hướng đi đúng đắn, phù hợp đó, vùng đất dưới chân Đèo Ngang xưa đã từng ngày “thay da đổi thịt”. Những công trường rền vang tiếng máy, những chuyến tàu nối đuôi nhau cập bến, những phố phường rực sáng… là minh chứng cho sự đổi thay từng ngày nơi “chảo lửa, túi mưa” này.

 

Với mục tiêu trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, sau 15 năm hình thành và phát triển, KKT Vũng Áng đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh với các siêu dự án như: Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1); Tổng kho Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng (sức chứa 60.000 m3); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất 1.200 MW...

Địa thế thuận lợi, giàu tiềm năng cùng chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, Vũng Áng tiếp tục hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong tương lai. Đó cũng là cơ sở, là “đòn bẩy” để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt niềm tin khi quyết định đầu tư vào các địa phương khác của Hà Tĩnh.

Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh

Những năm qua, thị xã Kỳ Anh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Nhờ đó, diện mạo khu vực nông thôn và đô thị có bước thay đổi nhanh theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đánh giá mới nhất, TX Kỳ Anh đã đạt 55/59 tiêu chí đô thị loại III; đạt 7/11 tiêu chuẩn trở thành thành phố. Những thành tựu đó không chỉ là tiền đề thuận lợi cho bước phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương mà còn góp phần tạo đà cho sự bứt phá về kinh tế của toàn tỉnh Hà Tĩnh trong tương lai.

Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn Thành đã thể hiện tinh thần quyết tâm, tin tưởng khi trò chuyện với chúng tôi: “Trên chặng đường mới, thử thách còn nhiều nhưng thị xã Kỳ Anh có điểm tựa vững chắc nhất, đó là niềm tin, sự kỳ vọng, chung sức đồng lòng của Nhân dân. Sức mạnh lòng dân, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và khát vọng vươn tới của vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế đang tạo nên sức bật mạnh mẽ để thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố vào năm 2025 và là trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Hà Tĩnh”.

 

Nhãn hiệu "Nước mắm Kỳ Ninh” (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được cấp văn bằng bảo hộ vào đầu năm 2021, giúp sản phẩm truyền thống nâng cao giá trị, khẳng định vị thế trên thị trường.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế của huyện Kỳ Anh cũng đạt nhiều thành tựu đáng kể. Đến nay, địa phương đã có 18 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,83%; tổng giá trị sản xuất hằng năm đạt hơn 5.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,24 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 43 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; đang tập trung cao độ xây dựng Kỳ Đồng đạt tiêu chí đô thị loại 5. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 6,41%; hộ cận nghèo còn 5,5%.

 

Những tuyến đường nông thôn mới ở xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh).

Về vùng thượng Kỳ Anh hôm nay, không còn những con đường đất lầy lội, những mái nhà liêu xiêu mà thay vào đó là những con đường nông thôn mới dài rộng, những đồi chè ngút ngát màu xanh. Cuộc sống của người dân nơi đất cằn đá sỏi đã thực sự ấm no, hạnh phúc.

Người Người dân vùng thượng Kỳ Anh thu hoạch chè

Cuộc sống của người dân nơi đất cằn đá sỏi đã thực sự ấm no, hạnh phúc

(Ảnh tư liệu: Nông dân xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh thu hoạch chè)

Không chỉ phát triển kinh tế, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh cũng chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa của cha ông. Các di tích được tôn tạo, gìn giữ; các loại hình văn hóa dân gian như dân ca ví, giặm, ca trù, hát sắc bùa... được truyền dạy, phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của người dân.

Câu lạc bộ sắc bùa thôn Hiệu Châu (xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh) biểu diễn ở những buổi lễ trọng đại của địa phương (Ảnh tư liệu).

Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm kể chuyện về làn điệu sắc bùa gắn với tết xưa với các em học sinh Trường THCS Kỳ Tân - huyện Kỳ Anh (Ảnh tư liệu).

Mái Bắc Đèo Ngang hôm nay đã thực sự mang một sinh khí mới. Dưới chân núi, một vùng kinh tế năng động được hình thành. Những hình ảnh của đói nghèo, lạc hậu đã biến mất. Và trên đỉnh đèo, Hoành Sơn Quan như đôi mắt thời gian đã thu nhận, lưu giữ nhiều câu chuyện của lịch sử để bất kỳ ai đến đó cũng có thể có những cảm nhận của riêng mình.

 

 

ẢNH, VIDEO: NHÓM PV


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Kỳ Anh
     Liên kết website
    Thống kê: 2.716.826
    Online: 87