Ngày 22/11/2021, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/ThU về phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nghị quyết quan trọng, khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế của tỉnh của Khu Kinh tế Vũng Áng và địa bàn trọng điểm đô thị phía nam của tỉnh – Thị xã Kỳ Anh. Nghị quyết ban hành nhằm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, gắn kết chặt chẽ vớiphát triển kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với phát triển vùng và kết nối với các trung tâm kinh tế trong khu vực. Phát triển kinh tế gắn với các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế; phát huy vai trò kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án tạo động lực phát triển vào Khu Kinh tế Vũng Áng. Vì vậy, cần sớm quán triệt, tạo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong học tập và triển khai nội dung nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh, đặc biệt là Đảng bộ thị xã Kỳ Anh.

Cảng Sơn Dương

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, dự báo tình hình phát triển của Khu Kinh tế Vũng Áng để đề ra nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong thời gian tới, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khẳng định: Từ khi thành lập (năm 2007) đến nay, Khu Kinh tế Vũng Áng hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Khu Kinh tế Vũng Áng hiệncó 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Tuy vậy, để xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực, logistics của tỉnh và khu vực theo mục tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra còn rất nhiều khó khăn. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằngmột số dự án còn chậm, có dự án chưa đảm bảo các quy định pháp luật, để lại hệ lụy. Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, an ninh trật tự còn nhiều bất cập. Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng chưa quyết liệt. Vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa tốt. Nhận thức của một số ngành, địa phương và một số cán bộ, công chức, người dân về vị trí, vai trò của Khu Kinh tế chưa đầy đủ.

Tàu trọng tải lớn vào cập Cảng Vũng Áng Việt - Lào

Mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết đề ra là: Xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng với các trụ cột: Công nghiệp luyện kim, năng lượng, chế biến, chế tạo; Trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển; Phát triển thương mại, dịch vụ, tạo nền tảng vững chắc. Phát triển đồng bộ khu liên hợp công nghiệp luyện kim, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, trung tâm điện lực gắn vớicụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương; đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước phát triển thị xã Kỳ Anh trở thành đô thị trung tâm phía Nam; hình thành thành phố Kỳ Anh, liên kết phát triển vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.

Nhà máy Nhiệt điện 1 - Vũng Áng

Theo đó, Nghị quyết đã đề ra 06 chỉ tiêu cụ thể cho hai giai đoạn, trước mắt giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 phấn đấu: Thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 3,5 tỷ USD - 5,5 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60 - 70%); Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15% - 20%/năm; Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 55.000 - 60.000 tỷ đồng (đạt từ 100.000- 120.000 tỷ đồng giai đoạn 5 năm tiếp theo); Hàng hoá thông qua cảng trên 40 triệu tấn/năm; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 7,5 -8,5 tỷ USD; Giải quyết việc làm trên 25.000 lao động (trên 30.000 lao động cho giai đoạn 5 năm tiếp theo).

Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong phát triển Khu kinh tế Vũng Áng trong thời gian tới:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng, tạo đồng thuận, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng; theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025,chú trọng tuyên truyền về công tác quy hoạch, xây dựng, công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng; tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân trong tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, lợi thế KKT Vũng Áng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước khảo sát, tìm hiểu đầu tư.

Hai là, điều chỉnh, mở rộng Khu Kinh tế Vũng Áng; tăng cường công tác quản lý quy hoạch. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, mở rộng quy môKhu Kinh tế Vũng Áng; ưu tiên quy hoạch quỹ đất xây dựng các khu chức năng, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô lớn.Tổ chức lập mới, điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong Khu Kinh tế, gắn kết với Quy hoạch vùng thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, Quy hoạch vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, phù hợp với Quy hoạch tỉnh. Khuyến khích xã hội hóa nguồn kinh phí lập quy hoạch cho Khu Kinh tế. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch. Xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh,trong đó có cảng Vũng Áng - Sơn Dương, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050,đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Ba là, tập trung nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, xây dựng và phát triển cảng Vũng Áng - Sơn Dương, Trung tâm logistics, tăng cường khai thác dịch vụ cảng biển. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu chức năng, hạ tầng giao thông nội vùng, giao thông kết nối Khu Kinh tế Vũng Áng với khu vực, trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa của Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Xây dựng và phát triển cảng Vũng Áng - Sơn Dương, phát triển Trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương, tăng cường khai thác dịch vụ cảng biển.Nâng cao năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn gắn với năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng; khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cảng biển Vũng Áng, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển các loại tàu vận chuyển quốc tế. Tạo mọi điều kiện thuận lợi mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm nghiên cứu đầu tư vàocảng biển, Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng gắn với khu công nghiệp gang thép, khu đô thị thương mại, dịch vụ. Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; hỗ trợ các hãng tàu biển vàphát triểntuyến vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng. Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển các dự án khu dân cư đô thị, khu nhà ở cho công nhân, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác. Đề xuất Chính phủ tiếp tục đưa Khu Kinh tế Vũng Áng vào diệnưu tiên đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.         

Bốn là, nâng cao hiệu quả các chính sách thu hút, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có tính đột phá vào Khu Kinh tế Vũng Áng; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, kết hợp với hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng điểm, tạo động lực phát triển mới, tính lan tỏa cao. Thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định, chính sách thu hút đầu tư để sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn. Ưu tiên thu hút các dự án chế biến, chế tạo sau thép có công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất đầu tư cao, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, định hướng đầu tư, sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Hỗ trợ tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dịch vụ cảng biển, logistics, dịch vụ du lịch chất lượng cao.Thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu kinh tế với Khu liên hợp gang thép Formosa, hình thành chuỗi liên kết sản xuất công nghiệp sau thép.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính,đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản hóa thành phần hồ sơ và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tập trung xử lý các tồn đọng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận pháp lý đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng. Tiếp tục phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, gắn với kiểm tra, giám sát và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành.Tăng cường phối hợp giữa Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, nhất là thị xã Kỳ Anhtrong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn Khu Kinh tế. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượngđội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đề ra các chính sách thu hútcán bộđáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vào làm việc tạiBan Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực khu kinh tế tỉnh.

Sáu là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu Kinh tế Vũng Áng. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề, các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế. Phối hợp, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm triển khai đào tạo nghề, cung ứng nguồn lao độngcho Khu Kinh tế Vũng Áng. Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp ưu tiên tiếp nhận, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vùngtái định cư, vùng bị ảnh hưởng do triển khai các dự án.

Bảy là, tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng;tăng cường công tác quản lý đất đai. Ưu tiên nguồn lực thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư; đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Tăng cường phối hợp giữa địa phương với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, vận độngNhân dân hiểu và thực hiện các quy định, chính sách của Nhà nước về bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Huy động nguồn lực xây dựng các khu tái định cư, hoàn thiệnđồng bộ hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước, hạ tầng xã hội trong các khu tái định cư theo quy hoạch. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 giải phóng mặt bằng trên 2.500ha; giai đoạn 2026 - 2030 giải phóng mặt bằng trên 3.000ha. Tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn Khu Kinh tế; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, thu hồi đất đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng không triển khai hoặc chậm tiến độ theo quy định.

Tám là, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện các giải phápthu gom,xử lý nước thải trong Khu Kinh tế; kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải, quy trình thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tracông tác bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, nhất là các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành chức năng, thông tinđể các tổ chức, cá nhân sử dụng các sản phẩm tro xỉ nhà máy nhiệt điện, xỉ thép và các chất thải không độc hại, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về chất lượng sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng…,góp phần tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Chủ động thực hiện các giải pháp,đề xuất các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đảm bảo yêu cầu ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững; bố trí diện tích cây xanh đảm bảo theo quy định, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chín là, đảm bảo quốc phòng - an ninh: Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thẩm định chặt chẽ yếu tố quốc phòng - an ninh đối với công tác quy hoạch và các tập đoàn, doanh nghiệp, các dự án đầu tư vàoKhu Kinh tế theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các lực lượng quân sự, công an, biên phòng với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các sở, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng quân sự trên địa bàn.Chủ động phương án, lực lượng sẵn sàng ứng phó, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống các loại dịch bệnh, sự cố môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng và trên địa bàn.

Mười là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị để phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng, gắn vớinhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của các địa phương, đơn vị. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể Nhân dân trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Nghị quyết này được ban hành nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, xác định xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thị xã Kỳ Anh là địa bàn gắn liền với sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng với mục tiêu xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố vào năm 2025, trở thành đô thị động lực phía nam của tỉnh. Vì vậy, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của thị xã Kỳ Anh cần sớm cụ thể hoá các nội dung nghị quyết thành chương trình hành động, đưa 10 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nêu trên vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương; Trước mắt rà soát, đánh giá thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021 và đề xuất chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 phù hợp, đồng bộ và khả thi, theo sát tình hình, lợi thế phát triển của Khu Kinh tế Vũng Áng để có phương pháp, cách làm hiệu quả trong quá trình thực hiện./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Kỳ Anh
     Liên kết website
    Thống kê: 2.715.968
    Online: 12