Cửa sông không chỉ là nơi lưu dấu những giá trị văn hoá tinh thần được tạo nên bởi cư dân bản xứ mà còn là nơi lưu giữ những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Theo trục lý luận đó, Cửa Khẩu –Kỳ Hoa hải khẩu (xã Kỳ Ninh-TX Kỳ Anh) là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng từ thời lập quốc, là cửa sông, cửa bể quan trọng ở nam Đại Việt.

"Kỳ Hoa hải khẩu" (cửa biển Kỳ Hoa), thường được gọi tắt là cửa Khẩu. Hải khẩu nguyên là danh từ chung, nhưng ở đây được dùng làm tên riêng của cửa biển. Vì vậy mà trong "Nghệ An ký" chép là "khẩu Hải Khẩu", còn trong "Lịch triều hiến chương loại chí" lại chép là "Cửa Loan Nương" (Có lẽ gọi theo truyền thuyết nàng Nguyễn Thị Bích Châu, Loan Nương Thánh Mẫu...). Một số tài liệu khác lại chép là cửa Hà Hoa (Đời Trần, thời thuộc Minh đến đầu đời Lê, đất Kỳ Anh bây giờ là huyện Hà Hoa).

Cửa Khẩu nằm trên tọa độ 106,21.36 độ kinh Đông và 18,06.48 độ vĩ Bắc, thuộc địa phận xã Hải Khẩu xưa, nay là xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong lịch sử, Kỳ Hoa hải khẩu cũng là cửa biển quan trọng ở phía Nam Đại Việt xưa. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã xẩy ra ở đây. Sử sách ghi chép là vào thời thuộc nhà Tùy, tháng giêng năm Ất Sửu (605), Hoan Châu đạo hành quân, tổng quân Lưu Phương và bọn đại tướng Trương Tốn đem quân từ cửa biển quận Tỵ Ảnh (có thể cửa Sót) vào đánh Chiêm Thành, quân đến nghỉ tại cửa Hải Khẩu.

Người Chăm Pa từ khi lập quốc (TKII), thường đưa thuyền vào cửa Khẩu và cửa Nước Mặn (nay đã bị vùi lấp) cướp phá, bắt người. Trong các đợt vượt Hoành Sơn lấn chiếm đất Đại Việt như năm 803, quân Hoàn Vương (Chăm Pa) tràn sang đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường, chiếm hai châu Hoan, Ái (Thanh Nghệ Tĩnh), đến năm 808 tướng nhà Đường là Trương Chu mới đẩy lùi được. Năm 907 - 910, người Chiêm Thành lại đánh chiếm vùng Bắc đèo Ngang ra đến tận núi Nam Giới và đặt quan cai trị 70 năm, đến năm 981 Lê Đại Hành mới lấy lại được.

Những lần người Chăm Pa đánh ra Bắc Hoành Sơn thì Kỳ Hoa Hải Khẩu là cửa biển đầu tiên bị chiếm đóng. Và trong những thời gian ấy, cửa Khẩu là điểm rất quan trọng đối với người Chiêm. Thuyền chiến, thuyền lương của họ qua lại, tập kết ở đây để phục vụ cho việc tiến thoái, phòng ngừa và cai trị vùng chiếm đóng.

Nhân dân TX Kỳ Anh tổ chức đua thuyền nhân lễ giỗ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.  Ảnh: Trần Công Việt

Thời Lý, Trần người Chiêm Thành thường hay đến cướp phá ven biển, nhiều lần chúng đột nhập vào cửa Kỳ Hoa bắt người bán sang Chân Lạp, nên triều đình đã phải đặt một đồn binh ở đây để canh giữ. Đời Lê từ các cuộc nội chiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn, cửa Khẩu càng trở thành vị trí quân sự trọng yếu. Ở đây được đặt một đội thủy quân (đội giã) khoảng 300 người và đặt một đồn "hải phòng" do đội lính thú canh giữ để bảo vệ trấn lị Dinh Cầu và bờ biển phía Nam.

Sau các sự kiện hai ông vua Trần Duệ Tông (1373- 1377) và Lê Thánh Tông (1460- 1497) trên đường Nam chinh đều dừng chân nơi đây và để lại nhiều dã sử thú vị thì việc khoảng mồng ba đến mồng sáu, tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ ồ ạt kéo quân ra Bắc diệt Trịnh qua cửa Khẩu mộ thêm binh sĩ, kêu gọi quân lương cũng là một sự kiện lịch sử rất quan trọng, được ghi dấu nơi Kỳ Hoa hải khẩu.

 

Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là địa điểm văn hóa tâm linh

của người dân Cửa Khẩu  và du khách thập phương. Ảnh: Trần Công Việt

 

Kỳ Hoa hải khẩu không những là một vùng có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, mà ở đây còn là một vùng chứa đầy sự kiện lịch sử, sự tích và huyền thoại, bởi vậy mà thơ ca ngâm vịnh, xướng họa, truyền kỳ, ký sự... liên quan đến cửa Khẩu rất nhiều. Tiến Sĩ Dương Thúc Hạp (1835 - 1920), trong "An Tĩnh sơn thủy vịnh" đã viết:

                             HẢI KHẨU HẢI

                   Đảng đảng thiên trùng nhất vọng xa

                   Thao thao tiến khí đãi dinh khoa

                   Thừa phong châu lãm tung hoành khứ

                   Hý lãng ngư long xuất nhập đa

                   Trần đế chinh thiều không trạch quốc

                   Cung phi trạc phách hữu kim ba

                   Diêm Vương tưởng diệc thù giai ước

                   Cụ mậu đương vô trở khách sà.

Võ Hồng Huy dịch:

                   Nghìn trùng một ngắm, biển thênh thênh

                   Ăm ắp chân mây, nước dập dềnh

                   Rồng cá chen sông đua nhảy múa

                   Thuyền bè lướt gió mặc tung hoành

                   Tấc hồn cung nữ vàng thêu sóng

                   Thuyền chiến vua Trần lái chệch kênh

                   Nợ hẹn Diêm Vương nay đã trả

                   Không hề dâng sóng lật thuyền mành.

Từ năm 1947 – 1949, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, trong sáu lần giặc Pháp đổ bộ lên bờ biển Kỳ Anh thì có hai lần chúng đổ bộ lên đất Kỳ Ninh qua cửa Khẩu. Đội du kích Hải Khẩu (nay là xã Kỳ Ninh) đã có thành tích xuất sắc trong việc đánh giặc bảo vệ xóm làng. Đặc biệt là việc dùng mẹo nghi binh vừa tiêu diệt được địch vừa bảo vệ được lực lượng của ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hạm đội 7 của Mỹ đã bắn vào đây hàng trăm quả đạn pháo hạng nặng. Đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1968, địch đánh phá hủy diệt vùng ven biển và thả bom từ trường, thủy lôi... phong tỏa đường sông đường biển của ta. Với khẩu hiệu "Mở đường mà tiến", huyện đã gấp rút thành lập các tổ rà phá bom. Tổ Kỳ Ninh với chiến sĩ Đặng Đinh Ghí đã có ngày phá đến 29 quả và toàn tổ đã phá được tất cả 138 quả bom, trong đó có những quả nằm sâu dưới đáy sông Vịnh.

Năm 2004, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Kỳ Ninh (vùng Hải Khẩu xưa) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Kỳ Hoa hải khẩu là một vùng đầy những sự tích, lịch sử và huyền thoại, đúng như một câu đối chữ Hán đã trang trọng ghi trong điện thờ Linh Từ Hải Khẩu:

                   Tiết liệt sóng tê trời Hải Khẩu

                   Vinh quang điểm sáng đất Hà Hoa

                                      (Thái Kim Đỉnh dịch).

Cửa Khẩu không chỉ là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nơi đây còn có huyền tích về Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là bà Hải) được nhân dân lập đền thờ. Ngày nay, lễ giỗ bà Bích Châu và tục dâng bánh chưng thờ ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống linh thiêng thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về Cửa Khẩu.

Ngư dân Kỳ Ninh chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Trần Công Việt

Tận dụng những tiềm năng, lợi thế của vùng cửa bể, ngày nay, nhân dân xã Kỳ Ninh không chỉ bám biển, bám thuyền ra khơi vào lộng đánh bắt hải sản mà còn biết sáng tạo nên nhiều nghề liên quan đến chài lưới, cá, tôm, chế biến thủy hải sản, đan lưới, sản xuất ngư cụ... Từ chỗ là vị trí quân sự trọng yếu, ngày nay, nhân dân Kỳ Ninh đã biết khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng Cửa Khẩu, biến nơi đây thành “bàn đạp” để vươn khơi, làm giàu từ những ân điển của biển cả. Đây cũng chính là nơi lắng đọng những tinh hoa văn hóa của đất và người Kỳ Anh hoà duyên trong bức tranh chung về sông nước Hà Tĩnh.

 

Tài liệu tham khảo:

            - Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ) của Nhà xuất bản Thời đại.

            - Nghệ An ký (của Tiến sĩ Bùi Dương Lịch, Q1, ký hiệu của thư viện khoa học Trung ương A.607, bản đánh máy của Ty Văn hóa Hà Tĩnh tháng 5/1973).

            - An Tĩnh sơn thủy vịnh (của Tiến sĩ Dương Thúc Hạp, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh xuất bản năm 2004).

            - Kê Minh thập sách, minh triết trị nước an dân (Kỷ yếu hội thảo khoa học - 26/3/2010).

            - "Chuyện kháng chiến Hà Tĩnh" (Tỉnh đội Hà Tĩnh xuất bản 1960).

            - Địa chí huyện Kỳ Anh (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin - 2011).

            - Thơ văn Lê Thánh Tông (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1986).

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Kỳ Anh
     Liên kết website
    Thống kê: 2.715.506
    Online: 50