CẢNH QUAN THIÊN NHIÊN

​ I. NÚI

NÚI HOÀNH SƠN

Hoành Sơn - dãy núi Ngang - ở phía nam huyện Kỳ Anh, xưa là biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia Việt - Chiêm, nay là địa giới hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Khối núi này chiếm một diện tích 1.500 km , kéo dài từ phía tây Vọng Liệu (Kỳ Anh) đến Tuyên Hoá (Quảng Bình) đến mút phía đông là mũi Đao, mũi Độc (Kỳ Nam). Núi chỉ có độ cao trung bình 400m, nhưng cũng có đỉnh cao tới 646m (như Động Nậy), hoặc 823m (ngọn Ba Cốc). Đèo Ngang vắt qua núi, từ phía bắc vào là đèo Con rồi đèo Nậy (256m). Từ vùng đèo Ngang chảy xuống, có nhiều dòng khe: khe Bò, khe Du, khe Di, khe Bàn Thạch ở mái bắc; khe Mộc Miên (khe Bông) ở phía nam. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép “xã Hoằng Hoá, thuộc huyện Kỳ Hoa phía đông giáp châu Bố Chánh (Quảng Bình) có khe Mộc Miên làm giới hạn”.

Hoành Sơn cũng là biên giới khí hậu bắc - nam. Phía Hà Tĩnh, mùa đông có gió mùa đông bắc mạnh, còn mùa hè gió Lào dữ dội; lượng mưa hàng năm rất lớn 3.000 mm/năm. Trong khi đó, Quảng Bình chỉ cách 10 km mà gió mùa rất yếu. Do điều kiện khí hậu, cây cỏ phát triển nhanh. Ngày xưa toàn bộ dãy Hoành Sơn bao phủ một thảm thực vật dày đặc, những cánh rừng bạt ngàn. Dưới lớp rừng ấy là đủ loại động vật quý: voi, hổ, tê, ngựa, hươu, nai, gà lôi, công, trăn, rắn… “Nhưng những “chú tiều” của bà Huyện Thanh Quan không còn thấy nữa, rừng đã bị tàn phá, bây giờ chỉ còn lại lau và cây bụi khô cằn, mọc trên đất đỏ vàng, che lấp những miếu nhỏ, những thành lũy đổ nát ngày xưa còn lại” (Thiên nhiên Việt Nam - SĐD). Ngày nay, những rừng thông, rừng gỗ mới trồng đã bắt đầu trải màu xanh trên mái núi.

Nằm trên biên giới Việt - Chiêm thời xa xưa rồi thời phân tranh Trịnh - Nguyễn và sau này là vị trí quân sự hiểm yếu, Hoành Sơn luôn luôn là đất chiến địa, đất của gươm đao, súng đạn. Suốt trong quá trình lịch sử, cho đến những ngày chống Mỹ, ở đây không mấy buổi được yên. Huyền thoại về công chúa Liễu Hạnh cũng dựng lên hình ảnh cuộc đấu giữa bà chúa Liễu với Bát bộ kim cang... (1) . Nhưng luôn luôn Hoành Sơn vẫn là một danh thắng nhất nhì ở Nghệ - Tĩnh, với cảnh đèo Ngang kỳ tuyệt, với luỹ cổ Lâm Ấp đồ sộ, với cửa quan Hoành Sơn, với bảo Thống Lĩnh (Xuân Sơn). Phạm Quý Thích (1760 - 1825) có câu thơ về cảnh thiên nhiên bao la (Thái Kim Đỉnh dịch):

“Cát trắng mênh mông, mây cát sôi

Ngàn xanh thăm thẳm, bể xanh trôi...”

Còn Nguyễn Trường Tộ (1828- 1871) lại có câu thơ nhắc lại dấu vết trường tồn của con người (Thái Kim Đỉnh dịch):

“Luỹ chiến đổ rồi, còn vết cũ,

Bia vua dựng đó, dấu non thiêng”.

Và cụ Nghè Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) cũng có bài thơ “ Qua núi Hoành Sơn ” với mấy câu:

“... Một đường xe điện dừng không đứng,

Hai cánh rừng cây dậy muỗi bay.

Thử hỏi nghìn năm hồn nước cũ,

Hồng Lam danh thắng vẫn xưa nay”

 

NÚI BÀN ĐỘ

Núi Bàn Độ, tục gọi rú Đọ hay rú Ba Đọ, ở làng Đậu Xá. “ Đại Nam nhất thống chí ” chép ở làng Phú Duyệt, tổng Đậu Chử, nay là xã Kỳ Khang. Sách “Kỳ Anh phong thổ ký” của Lê Đức Trinh mô tả: “Núi nổi lên giữa thôn Đậu Xá cao lớn, rậm rì, phía đông ra tới bể. Trên núi bằng phẳng trông giống như cái mâm vàng đặt qua mặt bể nên gọi là núi Bàn Độ”. Trên núi có đầm, gọi là đầm Tiên. Tương truyền “ngày xưa tiên nữ xuống chơi đầm ấy” (Nghệ An ký) . “Lại có một tảng đá lớn như bàn cờ, tương truyền đó là bàn cờ tiên. Những hòn đá nhỏ la liệt xếp trên đó giống như là những quân cờ. Hành khách đi qua xáo trộn đi, lúc trở về lại thấy đã được sắp lại như cũ. Đây còn là việc mơ hồ, không xác thực...” ( Kỳ Anh phong thổ ký ). Trên núi lại có ngôi chùa cổ, các sách xưa chép là chùa Bàn Độ, còn nhân dân thường gọi là chùa Ngâm (?). “Phía tả chùa có suối dài bảy, tám trượng trên không có nguồn, dưới sâu không đáy, ngày đêm nước chảy, rất trong mát” ( Đại Nam nhất thống chí - Tập II- Bản của Quốc sử quán). Sách Đại Nam nhất thống chí (tập 13, Các tỉnh địa dư chí - 1909) chép thêm: "phía trước chùa có cái kênh nhỏ thông ra biển. Ngày nay cửa kênh đã bị bồi lấp thành đất bằng, nước suối không có nguồn thông, ngày đêm phun tràn rất mạnh. Tương truyền xưa có đám dân đánh cá người Thanh (Trung Quốc) ghé thuyền vào kênh, huênh hoang làm thơ (1) rồi lên núi dựng chùa, làm nhà để trú ngụ khi đến biển Nam đánh cá”.

Gần núi Bàn Độ, ở địa phận xã Kỳ Ninh có ngôi đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Cơ Bích Châu. Người xưa kể thêm một truyền thuyết về núi: “Khi Trần Duệ Tông (1372 - 1377) đi đánh Chiêm Thành, thuyền đến dưới núi không tiến lên được. Vua phải lấy một cung nhân để vào một cái mâm vàng đem thả xuống nước cho thuỷ thần thì thuyền đi được” (Nghệ An ký). Từ hình núi “trông giống như cái mâm vàng đặt qua mặt biển” và từ truyền thuyết “lấy một cung nhân để vào cái mâm vàng thả xuống biển mà người ta luận ra chữ “Kim bàn độ hải” rồi cho rằng đó là xuất xứ của tên núi. Kỳ thật, Bàn Độ chỉ là phiên âm tên nôm rú Đọ, Ba Đọ. (Có người còn đọc là Bán Độ, nửa đường).

Phía đông núi Bàn Độ (ở làng Trung Giáp xã Kỳ Khang) còn có ngôi đền Thánh mẫu (chưa rõ Thánh mẫu đây là bà Bích Châu, hay Thánh mẫu Càn vương, tức bà Thái Hậu nhà Tống như có người nói). Ở mé nam, còn di tích ngôi chùa Đá. Câu ca “lắm hươu Bàn Độ” gợi lên cảnh rừng Bàn Độ giàu có xưa và câu ca “có Hoành Sơn, Bàn Độ mới dĩnh sinh nhân tài” đã chứng minh vị trí của núi trong đời sống tinh thần, văn hoá của đất Kỳ Anh. Từ Dinh Cầu nhìn ra, Hiệp trấn Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1818) có câu thơ vịnh cảnh núi Bàn Độ (Thái Kim Đỉnh dịch):

“Nửa bức che ngang diềm bãi cát

Làn mây sà xuống trước châu thành”

Trước đó, năm Giáp Ngọ (1774), các cống sỹ xứ Nghệ về ứng điểm ở Dinh Cầu, đường vào qua dưới núi, có người đề xướng làm thơ vịnh, lấy vần “bàn”, hẹn đi vài chục bước phải xong. Bài thơ “Bàn Độ sơn” của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723- 1804) được bình là hạng nhất. Về sau, còn rất nhiều thi sĩ làm thơ về ngọn núi này... (2).

 

(1) Sách Kỳ Anh phong thổ ký chép bài thơ như sau:

Ngư hàng xuất hải (thuyền chài ra biển)

Nhập để trung châu (vào làm vua trung châu)

Tiền nhất ba vi nhất quân (trước mỗi ngọn sóng là một tên quân)

Hậu nhất sơn vi nhất mã (sau mỗi ngọn núi là một con ngựa)

Quả thật bài thơ không có giá trị gì, có lẽ đây chỉ là câu hát của dân đánh cá Tàu.

(2) Ở làng Vĩnh Ái, nay thuộc Kỳ Khang, còn có rú Hương, các sách cổ chép là núi Càn Hương. Dân gian thường gọi hai ngọn núi này là “Ông Hương, bà Độ”

NÚI CAO VỌNG

Núi Cao Vọng có nơi chép Cao Vương, tục gọi Rú Voong, ở xã Bình Lễ, sau là xã Vĩnh Áng, tổng Hoằng Lễ nay thuộc xã Kỳ Lợi. “Núi nổi cao hai ngọn xế ra biển, phía nam là núi Ô Tôn (phiên âm tiếng Dòn), phía đông liền với biển; có vũng bao quanh như cái ao, gọi là núi Yên Ao. Dưới chân núi có giếng đá, tục gọi là giếng Ếch vị nước rất ngọt. Thuyền buôn qua lại đều tới đây lấy nước uống. Ngày trước ở đây có đồn thú canh giữ” ( Kỳ Anh phong thổ ký ).

Năm 1407, quân Minh mượn cớ đánh nhà Hồ, đưa quân sang xâm lược nước ta. Họ Hồ thua, chạy vào Châu Hoan. Nhưng Hồ Quý Ly đến núi Thiên Cầm, đất Kỳ La, thì bị bắt. Còn Hồ Hán Thương, cùng thái tử Nhuế cũng bị đầu mục của Mạc Thuỷ là Nguyễn Như Khanh bắt ở núi Cao Vọng. Ngày nay, ở núi Thiên Cầm có “hang Hồ Quý Ly” và ở núi Cao Vọng cũng có “hang Hồ Hán Thương”. Sự kiện này còn được chép trong sử sách và truyền đi bằng hai câu thơ cổ:

“Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn

Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu”

Thái Kim Đỉnh dịch:

Trước cửa Kỳ La hồn thơ tắt

Đầu non Cao Vọng dạ người đau.

Bùi Huy Bích, trong bài thơ “ Vịnh núi Cao Vọng ” cũng có câu:

“ Trương Phụ lai thời thanh thạch lão

Hán Thương khứ hậu bạch vân lưu”.

Thái Kim Đỉnh dịch:

Đá cũng bạc đầu, Trương Phụ đến

Mây còn trắng núi, Hán Thương đi.

Trên núi Cao Vọng lại có ngôi đền thờ thần Sát Hải (1) và miếu thờ ông ba họ Chu.

 

(1) Sát Hải tướng quân là vị tướng đời Trần, tên là Hoàng Tá Tốn, quê ở cửa Vích (Quỳnh Lưu) có công trong cuộc chống Nguyên Mông, được sai trấn giữ mạn biển Nghệ An (Nghệ Tĩnh), sau dân nhiều nơi lập đền thờ. Ở Kỳ Anh lại có truyền thuyết: Ông quan giữ cửa Khẩu báo việc bão tố, bị nghi, rồi bị giết oan. Dân lập đền thờ.

II. SÔNG NGÒI

SÔNG TRÍ

Sông Trí bắt nguồn từ núi Yên Ngựa (Mã Yên), chảy theo hướng nam qua địa bàn các xã Kỳ Tân, Kỳ Hoa, rồi chảy về hướng đông, bao quanh Dinh Cầu (Kỳ Châu) chảy qua phía bắc xã Kỳ Hưng, phía nam xã Kỳ Hải, đến ngã ba sông Văn Yên (Kỳ Hà) thì hợp lưu với sông Quyền đổ về cửa biển Hải Khẩu, dài 26 km với lưu vực 57 km . Sông Trí là đường thuỷ quan trọng, thuyền buôn từ Ròn (Quảng Bình) vào cửa Khẩu, thuyền trong tỉnh qua sông Kênh Hạ rồi ngược sông Trí đến chợ Dinh Cầu (Thị trấn Kỳ Anh). Sông Trí cũng là nguồn thuỷ lợi tưới cho đồng điền vùng giữa của huyện, là cơ sở để xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho một vùng rộng lớn. Hiện nay nguồn nước hồ Kim Sơn đã cung cấp cho Nhà máy nước Thị trấn Kỳ Anh (công suất 3.000 m /nđ), nhà máy nước Vũng Áng (công suất bước đầu 40.000 m /nđ; dài hạn sẽ là 100.000 m /nđ. Đoạn sông qua Thị trấn và các xã lân cận đã được kè đá chống xói lở và mở đường hai bên, tạo nên quang cảnh trên bộ dưới thuyền thông thoáng tiện lợi.

SÔNG VỊNH (SÔNG CỬA KHẨU)

…"Cá lui về sông Vịnh, chim ngược ngàn kiếm đôi" là câu hát của người Hà Tĩnh nói về con sông này. Sông Vịnh là đoạn cuối của sông Kinh Hạ, dài trên 10km; nơi rộng nhất là 300 - 400 m, sâu nhất là đoạn chảy qua thôn Xuân Hà, Hải Khẩu ra tận cửa biển. Sông Vịnh ngày xưa đến Hói Lỗ thì chảy ngược lên Ngọn Troong mà ra biển. Giữa các thôn Đồng Nghĩa, Yên Điềm còn di tích cồn Sèng. Sau khi ông Quận Phạm Tiêm cho "lấp Cửa Lỗ, trổ Eo Bù" , sông chảy thẳng về phía núi Cao Vọng, ra cửa Khẩu như bây giờ.

Sông Vịnh rộng và sâu, tàu thuyền lớn chở hàng chục tấn có thể ngược lên 5-10km, vào đến chợ Ngâm làng Thuận Định. Trong bài Văn tế sống Hội Lựu (một nhà buôn ở thôn Hải Khẩu trước năm 1945), tác giả là thầy Chỉnh đã ghi lại cảnh buôn bán ở đây:

..." Kẻ Kinh, Quảng thông thương- Người Trung hoa du lịch ;

…" Nào Nghệ An, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng,

Nào thuyền nào bến nào buồm gió chèo trăng

Sống cạnh tranh đeo đuổi cảnh thương thuyền

Cuộc tài hoá đã từng phen gióng giả …"

Sau năm 1945, xí nghiệp vận tải vôi Sơn Hải và tàu thuyền huyện Kỳ Anh củ đã nhờ đường sông Vịnh mà kinh doanh phát đạt một thời. Sông Vịnh vừa tạo điều kiện để phát triển các đồng muối lớn, các vùng rừng ngập mặn vừa là môi trường sống lý tưởng của các loài hải sản (tôm, cua, ngao, hàu, sam, sứa, hải sâm, giun biển, cá ngứa, cá mú, cá vược, các loài chim (cò, cói, sếu, vạc, vịt trời).

SÔNG QUYỀN

Sông Quyền là tên phiên âm chữ Hán-Việt của sông Quèn, mà thượng nguồn là toàn bộ các khe suối từ dãy Hoành Sơn đổ xuống (khe Luỹ, khe Dâu, khe Miên, khe Đá Hát, khe Đầu Voi, khe Đá Bàn) qua địa phận các xã Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, đến Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi, Kỳ Trinh thì lòng sông mở rộng dần, có tên sông Quèn. Từ đây sông chảy lên đông bắc lại sang tây bắc, gặp sông Trô rồi chảy về hướng đông, hợp lưu với sông Trí ở địa đầu xã Kỳ Hà, đổ vào lạch Quèn, hoà cùng sông Vịnh mà ra cửa Khẩu. Toàn bộ hệ thống sông Quyền dài 34 km, có lưu vực rộng 216 km 2. . Sông Quyền nối với sông Vịnh, tiếp nối với kênh Hạ (kênh đào) là con đường thuỷ thông suốt từ phía bắc huyện Kỳ Anh vào tận Thần Đầu (Kỳ Phương).

KÊNH THẦN ĐẦU

Kênh Thần Đầu (“ Đại Nam nhất thống chí” chép là kênh mới Thần Đầu), đào năm Tự Đức (1859) nối các khe ở xã Thần Đầu (Kỳ Phương, Kỳ Liên) với khe Đá Hát từ Kỳ Long xuống, chảy vòng vèo qua Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh đến ngã rào Ngã Ba rồi đổ vào sông Quèn tạo nên con đường thuỷ thông từ mé bắc huyện vào gần mé ngoài dịch trạm Thần Đầu xưa, chẳng bao lâu kênh bị cát lấp. Phía Phác Môn (Kỳ Lợi) có đoạn kênh đào dở dang dài chừng 300 m gọi là hói Bền. Tương truyền con kênh này dự định đào thông từ sông Quèn ra biển, do ba ông họ Chu đề xướng và chỉ huy động dân địa phương làm từ đời Lê. Công việc chưa xong thì cả ba ông đều chết. Dân nhớ công lao lập miếu thờ các ông ở chân núi Cao Vọng.

GIẾNG VỌT (VIỆT TỈNH TUYỀN)

Giếng Vọt không phải là giếng, cũng không phải là khe lộ thiên, mà là một suối nước ngầm, nước phun ra mé một ngọn đồi nhỏ ở làng Hưng Nhân, xã Phú Nghĩa, nay thuộc địa phận thị trấn Kỳ Anh. Sách “Nghệ An ký” mô tả “Một dải gò động bằng phẳng, thung lũng rộng lớn, liên lạc với núi Hoành Sơn, vách đá cheo leo, cây cối xanh tốt, từ trong hang đá chảy ra một dòng suối mát trong sạch, thơm ngon. Dân địa phương lấy cây gỗ khoét rỗng làm máng hứng nước như máng mái nhà hứng nước mưa. Nước suối chảy ra tưới các ruộng, nên lúa đều được xanh tốt. Tương truyền ngày xưa có một viên Đốc trấn cấm dân không được lấy nước suối ấy, thì tự nhiên suối bế tắc lại, không chảy nước ra nữa. Sau nghe lời một tiên sĩ, giết trâu cúng thần và bãi lệnh cấm, thì suối lại chảy ra như trước” (1) . Cũng sách này chép: “Nước ở Nghệ An (Nghệ Tĩnh), có ba nơi được khen là giai phẩm: một là sông La ở huyện La Sơn, hai là suối Việt Tỉnh ở huyện Kỳ Hoa, ba là khe Hau Hau ở núi Nam Giới, huyện Thạch Hà”.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” cũng chép “Suối Việt - đông (tức giếng Vọt) ở bên tả trấn thành, một dải sườn núi bằng phẳng, thung lũng rộng rãi, nối liền với núi án ngữ của trấn. Ở bên đó có núi đá đứng thẳng như vách, cây cối um tùm, trong khe đá chảy ra suối nước trong mát, ngon ngọt. Người biết thưởng thức vị nước, cho nước suối ấy ngon nhất ở Hoan Châu”. Giếng Vọt nước quý, lại là kỳ quan ngày trước. Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744 - 1818) khi làm quan ở đây, thường đến chơi bên suối và có bài thơ “ Vịnh Việt tỉnh” nguyên văn chữ hán, Thái Kim Đỉnh phỏng dịch:

Một phiến đá mé Hoành San

Từ xưa, đệ nhất Châu Hoan suối này.

Nghe róc rách dưới rừng cây,

Lâng lâng làn khói nhẹ bay, mơ màng.

Đời đời dòng nước xuyên ngang,

Người qua nào thấy bóng Hằng nga đâu.

Lòng trần lay tận đất sâu

Đến đây tắm rửa sạch làu, nhẹ lâng.

 

(1) Sách Nghệ An ký còn chép bài thơ “Quá Việt tỉnh cương” của Đỗ Tử Vi đời Trần, và cho rằng bài thơ ấy vịnh giếng Vọt ở Kỳ Anh, là lầm. “Việt tỉnh cương” trong bài thơ của Đỗ là ở vùng Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh, nay thuộc Hà Bắc. Dưới đây là nguyên văn bài thơ của Bùi Huy Bích “ Vịnh Việt tỉnh ” ở Kỳ Anh:

“Phiến thạch Hoành Sơn bạn,

Hoan Châu đệ nhất tuyền.

Sàn sàn xuyên mật thụ,

Tế tế dạng khinh yên.

Lưu thủy mạn chung cổ,

Hành nhân bất ngộ tiên.

Trần tâm huy mặc địa,

Tẩy chước tạm phiên nhiên”.

III. BIỂN

Kỳ Anh có hai cửa biển: Cửa Khẩu và cửa Nước Mặn. Cửa Khẩu tức là Hà Hoa hải khẩu, ở địa phận xã Hải Khẩu (nay là xã Kỳ Ninh). Những con sông lớn nhất huyện (sông Kinh, sông Trí, sông Quyền) và nhiều khe hói khác từ ba hướng bắc, tây, nam đều dồn nước vào một vũng biển nhỏ gọi là sông Vịnh, hay sông Cửa Khẩu, dài 4 km, rồi đổ ra biển. Đời Lê, nhất là từ khi có trấn lỵ Dinh Cầu, cửa Khẩu là cửa biển quan trọng đối với việc cung cấp vật chất và bảo vệ trấn thành (2) .

Phía nam mé Hoành Sơn, thuộc địa phận thôn Ngưu Sơn, xã Hoằng Hóa (sau là xã Thần Đầu, nay là xã Kỳ Nam) có cửa Xích Mộ (Nước Mặn). Cửa này nay bị bồi lấp, nhưng ở thế kỷ 15 còn rộng, cả đội chiến thuyền có thể vào được.

 

(1) Theo tài liệu của Hoàng Thái Cát- Bản Thanh Minh ghi (Trong tư liệu của TKĐ) có mấy chỗ khác.

(2) Ở xã Kỳ Ninh dọc bãi biển bồi trên lạch cũ cửa Khẩ, có vô số mảnh gốm,mảnh sành đủ các loại hình gốm sành lẫn trong cát. Do đo,có ý kiến cho ràng của Khẩu, xưa là “thương cảng lớn”. Chúng tôi cho nhận xét này chưa đủ căn cứ. Có hai giả thuyết: hoặc xưa có lò gốm của người Chàm, người Việt ở đây; hoặc sóng biển đã dồn những mảnh gốm từ nơi khác đến (như hiện tượng thường có). Qua lịch sử, ta thấy có thể từ thế kỷ X, đat là nơi qua lại của thuyền chiến, thuyền lương Chàm. Còn dưới các triều Trần, lê, nhất là sau khi có trấn lỵ Dinh Cầu, cửa Khẩu là nơi đóng thủy quân bảo vệ trấn dinh. Đường vận tải hàng cung cấp cho Dinh Cầu đi qua kênh chỉ có thể nơi qua lại, ẩn nấp của thuyền cá, thuyền buôn (kể cả thuyền nước ngoài) mà thôi.

CỬA KHẨU

Cửa Khẩu là tên gọi tắt của “Kỳ Hoa hải khẩu”- Cửa biển Kỳ Hoa (ở đây, chữ “Hải Khẩu” là danh từ chung được dùng như danh từ riêng). Có sách xưa, như “Nghệ An ký” chép là “Khẩu hải khẩu”, hay như “Lịch triều hiến chương loại chí” chép là “Cửa Loan Nương”. Cửa Khẩu nằm trên toạ độ 106,21 ’ 36 ’’ độ kinh đông và 18,06 ’ 48 ’’ độ vĩ bắc, thuộc địa phận xã Hải Khẩu (nay là xã Kỳ Ninh). Sông Kinh từ phía bắc, sông Trí từ phía tây và sông Quyền từ phía nam cùng đổ ra một vũng nhỏ dài khoảng 10 km, rộng từ 300- 400m (nước lên có thể rộng tới 1.000 m) sâu 3-4 m đến 7-8 m, có tốc độ chảy 0,5m/giây gọi là sông Cửa Khẩu hay là sông Vịnh. Ca dao: “Cá lui về sông Vịnh, chim ngược ngàn kiếm đôi” . Lạch sông và cửa biển thời xa xưa đi về phía bắc, sát gần rú Đọ, còn bây giờ đã chuyển về phía nam, mé rú Voong.

Trong lịch sử, cửa Khẩu, là cửa biển quan trọng ở nam Đại Việt. Nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra ở đây. Sử sách ghi chép là vào thời thuộc nhà Tùy, tháng Giêng năm Ất Sửu (605). Hoan Châu đạo hành quân tổng quân Lưu Phương và bọn đại tướng Trương Tốn đem quân từ cửa biển quận Tỵ Ảnh (cửa Sót hay cửa Nhượng) vào đánh Chiêm Thành. “Tháng ấy quân đến cửa Hải Khẩu”.

Người Cham-pa từ khi lập quốc, TKII, thường đưa thuyền vào cửa Khẩu và cửa Nước Mặn cướp phá, bắt người. Trong các đợt vượt Hoành Sơn lấn chiếm đất Đại Việt (803-808 và khoảng 907, 910- 981), cửa Khẩu có vị trí quan trọng đối với quan, quân của họ. Chắc chắn là thuyền chiến, thuyền lương của họ phải đóng chốt và qua lại ở đây để phục vụ cho việc cai trị vùng chiếm đóng. (1)

Thời Lý, Trần người Chiêm Thành thường hay đến cướp phá ven biển hoặc bắt người bán vào Chân Lạp, nên ở cửa Khẩu có đồn binh canh giữ. Sau khi đào sông Kinh Hạ, thuyền bè từ bắc vào thông đến cửa Khẩu ra biển.

Đời Lê, từ các cuộc nội chiến Lê- Mạc, Trịnh-Nguyễn, cửa Khẩu càng trở thành vị trí quân sự trọng yếu. Ở đây có một đội giã (thuỷ quân) có khoảng 300 người đóng giữ để bảo vệ Trấn lỵ Dinh Cầu và bờ biển phía nam. Khoảng mồng ba đến mồng 6 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ kéo quân ra diệt Trịnh đến cửa Khẩu. Đó là một sự kiện lịch sử quan trọng sau việc hai ông vua Trần Duệ Tông và Lê Thánh Tông đi qua đây vào các năm 1377 và 1470-1471. Đời Nguyễn, vị trí cửa Khẩu không còn như trước nữa nên chỉ đặt tấn cửa Khẩu một tấn thủ trông coi, kiểm soát thuyền bè đi lại.

Ngày 11 tháng Chạp Hồng Đức năm đầu (1470) vua Lê Thánh Tông “Đóng quân tại cửa bể Hà Hoa, đêm khuya ngồi nghe tiếng mưa, sinh lòng thương cảm” (Nguyên chú), có bài thơ, Ngô Linh Ngọc dịch:

“Ngủ tựa đầu nhan thuyền lạnh vắng,

Rèm xanh mỏng tựa cánh ve xanh

Gió đông vỗ biển trời muôn dặm

Đêm tối tràn mưa mộng mấy canh

Hun hút tầm xa nhoà sóng nước,

Vèo trôi ngày tháng tiếc thời gian

Luống thương chiến sĩ dầm chân đất,

Chết thiếu tiền mua cỗ áo quan”.

Nhà vua còn có bài “Nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa”, Đỗ Ngọc Toại dịch:

Mưa mai mù mịt bến Hà Hoa,

Ngắm bể mênh mang bốn phía xa.

Mây mến đầu non lơ lửng đứng,

Sóng theo con nước rập rờn qua.

Thủy tiên đầm nọ đầy sương ráng,

Chế Thắng đền kia rực cỏ hoa.

Say tựa bên mui càng nảy hứng,

Lòng thơ dạ khách khó khuây khoa”.

CỬA XÍCH MỘ (NƯỚC MẶN)

Cửa Xích Mộ cũng đọc Xích Lỗ hay Tích Lỗ (cửa Nước Mặn) chảy qua địa phận làng Ngưu Sơn, tổng Hoằng Lệ, sau là thôn Minh Đức nay là xã Kỳ Nam. Nước Khe Bò, khe Du, khe Di từ đèo Ngang đổ xuống, tạo thành con sông nhỏ cùng tên, chảy mé đông bắc dãy Hoành Sơn rồi đổ xuống cửa biển này. Con sông và cửa biển Xích Mộ nằm tách biệt khỏi hệ thống sông ngòi trong huyện. Ở thế kỷ XV, cửa biển Xích Mộ khá sâu, rộng. Đoàn thuyền chiến của vua Lê Thánh Tông, đi đánh Chiêm Thành năm 1470- 1471, đã đỗ lại đó. Nhà vua có bài thơ "Xích Mộ hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại cửa biển Xích Mộ), Ngô Linh Ngọc dịch:

“Trên sông Xích Lỗ lướt chèo hoa,

Đất khách bâng khuâng nỗi nhớ nhà.

Phòng biển sông quây thành vách luỹ, (2)

Đầu mom tre đẵn ghép rui xà.

Thuyền về bến vạn cơn mưa giục,

Triều tới ven bờ ruộng Lạc xa.

Chạnh nhớ ngày xưa gương sáng để,

Đè mây vượt sóng bước xông pha”.

Sách “An Tĩnh cổ lôc” (SĐD) viết: “Trong vùng đồng bằng Hoằng Lễ chúng ta thấy khe Bò uốn lượn để đổ ra cửa Xích Mộ. Chắc rằng cách đây vài ba thế kỷ, cửa sông này phải nằm dịch ra phía bắc, vì có một công sự phòng ngự lối qua lại đây đã bị chôn vùi dưới đồi cát, nằm theo chiều tây bắc- đông nam”.

Cửa Xích Mộ xưa đã bị bồi lấp, nằm ở vị trí thôn Minh Đức bây giờ. Cửa biển bây giờ chuyển xuống phía nam, hẹp và cạn.

 

(1) Năm 803 quân Hoàn Vương (Chămpa) tràn sang đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường, chiếm hai châu Hoan, Ái (Thanh Nghệ Tĩnh) đến năm 808, tướng nhà Đường là Trương Chu sang cai trị Giao Châu mới đẩy lùi được. Lại năm 907-910, người Chiêm Thành (Chămpa) lại lấn chiếm vùng bắc Đèo Ngang ra tận núi Nam Giới, và đặt quân cai trị 70 năm. Năm 981- Lê Đại Hành mới vào đánh đuổi được (Xem phần thứ hai).

(2) Đời Lê ở đây có đồn hải phòng, do đội lính thú canh giữ. Nguyên văn câu này “Chử đầu hải thú hà vi bảo”; có bản chép “Đào đầu hải thú sa vi bảo” (Đầu sông, đồn canh biển cát dồn lên làm luỹ)

III - CẢNH QUAN THIÊN NHIÊN 

ĐÈO NGANG 

Tôi đã qua đèo Ngang nhiều chục lần, nhưng chưa một lần được đứng nơi đây, vì một thời ngồi ô tô khách ai cũng thót tim im lặng để vượt qua nơi núi non hiểm trở này; còn từ năm 2004, khi có đường hầm xuyên qua Đèo, ô tô khách không lên Đèo nữa. 

“Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá đá chen hoa…”

Đó là hai câu thơ đầu trong tác phẩm Đường luật nổi tiếng “Qua đèo Ngang” của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Tôi đã qua đèo Ngang nhiều chục lần, nhưng chưa một lần được đứng nơi đây, vì một thời ngồi ô tô khách ai cũng thót tim im lặng để vượt qua nơi núi non hiểm trở này; còn từ năm 2004, khi có đường hầm xuyên qua Đèo, ô tô khách không lên Đèo nữa. Lần này quyết định đi xe máy lên đèo Ngang, để một lần thỏa thích chiêm ngưỡng quê hương Việt Nam, nơi được “chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Để cảm nhận sơn thủy hữu tình của những áng ca dao; của thơ đề vịnh hoàng đế Lê Thánh Tông khi nam chinh đi qua vào thế kỷ XV; hay sau này, nhiều tao nhân mặc khách cảm tác về vùng núi non kỳ vĩ này, như Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Nễ, Bùi Dương Lịch, hoàng đế Thiệu Trị, Nguyễn Trường Tộ, Lê Văn Huân, Xuân Thủy, Phạm Tiến Duật, Vũ Tông Phan,... 

Đèo Ngang hiện là ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, cách 2 trung tâm thành phố Hà Tĩnh gần 80 km về phía bắc và thành phố Đồng Hới 75 km về phía nam. Cũng là ranh giới của 2 vùng tiểu khí hậu (Hà Tĩnh thuộc khí hậu bắc, mùa đông có gió mùa Đông bắc mạnh, mùa hè gió Lào nóng dữ dội. Lượng mưa ở Hoành Sơn rất lớn, 3.000 mm/năm và bão cũng rất nhiều; còn ở Quảng Bình, đặc điểm khí hậu nam, gió Đông bắc rất yếu). Đèo nằm trên Quốc lộ 1A, vắt qua dãy Hoành Sơn (núi Ngang), một chi núi của Trường Sơn Bắc mọc lấn ra tận biển Đông với điểm chót là mũi Đao, mũi Độc. Khối Hoành Sơn chiếm diện tích khoảng 1.500 km2, có ngọn Ba Cốc cao tới 823 m. Riêng đèo Ngang độ cao 256 m, chiều dài 6.500 m, gắn với quan lộ có từ hơn 1.000 năm trước, thời vua Lê Đại Hành (980 - 1005). Nơi đây từng phân định ranh giới giữa nước Đại Việt và nước Chiêm Thành, gợi cho ta hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài; còn thời thuộc Pháp nó có tên tiếng Pháp là Porte d’Annam (Cổng An Nam).

Từ phía Hà Tĩnh, chúng tôi lên đỉnh đèo Ngang, gặp ngay một đoàn du khách Hà Nội từ Quảng Bình ra, tại “Cổng Trời”, thuộc Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia ải Hoành Sơn Quan. Cổng được vua Minh Mạng thứ 14 (năm Quý Tỵ, 1833) cho xây dựng để kiểm soát việc lưu thông qua Đèo, trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam. Theo “Hà Tĩnh Địa dư”, cổng cao 10 thước (4 m), hai bên có tường trụ dài 75 thước (30 m). Nhưng sách “Đại Nam nhất thống chí” lại chép cửa quan xây dựng bằng đá dài 11 trượng 8 thước (47,2 m), cao 5 thước (2 m), khoảng giữa là cửa quan, phía tả và hữu đắp tường dài 75 trượng (300 m), cao 4 thước (1,6 m), về mặt tả mặt hữu và mặt hậu có tường dài 12 trượng 2 thước (48,8 m). Hiện nay chỉ còn lại cổng chính nguyên vẹn, cao khoảng 4 m, trầm mặc với rong rêu, các bức tường không còn. Đường thiên lý đi qua dưới cổng, hai phía ghép đá, phía ngoài vào 980 bậc, phía trong ra 900 bậc, nay đã bị cây cỏ, đất đá phủ lấp, chỉ phía ngoài (Hà Tĩnh) còn lại một số bậc. Đường Quốc lộ 1A bây giờ đi vòng phía dưới cổng. Năm Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838) đúc 9 đỉnh đồng lớn đặt ở nội thành Huế, hình tượng Hoành Sơn - đèo Ngang được chọn khắc vào “Huyền đỉnh”. Bởi thế mà ca dao từng miêu tả tâm trạng người qua đây: “Trèo đèo hai mái chân vân/ Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”. Đèo Ngang là nơi diễn ra nhiều sự kiện chiến tranh của nhiều triều đại và mãi sau này vẫn là “điểm nóng” trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Việt Nam.

 Đứng trên đỉnh Đèo, nhìn về phía Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và phía Nam, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, tạo hóa ban phú những bức tranh thủy mặc kỳ vĩ, đẹp đến mê hồn. Những dãy núi chập chùng trườn ra tận bãi biển, nơi lớp lớp con sóng trắng vỗ bờ rì rào ngân lên những bản nhạc quê hương. Bây giờ không có cảnh đìu hiu như xưa thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan mô tả: “Lom khom dưới núi, tiều vài chú/Lác đác bên sông chợ mấy nhà”, mà cuộc sống ngày càng nhộn nhịp và trở thành những điểm du lịch nổi tiếng. Đó là những bãi tắm thoai thoải cát vàng óng ánh của Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với dải phi lao xanh mướt. Những hòn đảo ngoài xa tạo những thắng cảnh tuyệt mỹ: Đèo Con, Hòn La, Vũng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, Hòn Yến…; chân Đèo là hồ nước Quảng Đông trong leo lẻo, những con suối róc rách từ các vách đá chảy xuống. Đèo Ngang còn là gạch nối những điểm du lịch tâm linh, lịch sử và danh thắng 2 phía Bắc - Nam: đền thờ nữ danh tướng Bích Châu; khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, là vũng Áng… Ngay chân Đèo là hai ngôi miếu thờ công chúa Liễu Hạnh, có từ thời Hậu Lê, năm 1557, gắn với những huyền tích ly kỳ.

 Hôm nay, giữa trên cao lộng gió mây vờn, Bắc - Nam đèo Ngang đang tấu những bản hùng ca của cuộc sống tươi mới. Nhiều nếp nhà sáng điện yên ả bên dòng sông hiền hòa nhẹ trôi ra cửa biển, cùng đó là hàng ngàn lượt xe ô tô ngược xuôi dưới những cung đường nhựa bóng bên chân Đèo. Với chúng tôi, một cảm xúc xen lẫn sự tươi mới ấy với âm hưởng của những bước chân mở đất, giữ cõi của các bậc tiền nhân tự ngàn xưa vọng về. Bay bổng và cả lắng đọng đến khôn cùng…

ĐỀN THỜ CÔNG CHÚA LIỄU HẠNH

Ở dưới chân núi đèo Ngang thuộc địa phận xã Kỳ Nam có một ngôi miếu nhỏ thờ Liễu Hạnh công chúa. Đền thờ vừa có sự tích riêng,vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.

Liễu Hạnh công chúa cùng Sơn Tinh, Thánh Gióng và Chữ Đồng Tử là bốn vị thánh được nhân dân tôn kính, gọi là “Tứ bất tử”. Ngoài ba vị nam thần đầu tiên có từ thời Hùng Vương và được thờ nhiều nơi từ rất lâu thì Mẫu Liễu Hạnh là hình mẫu người phụ nữ duy nhất được đưa vào hệ thống thần thánh từ đời hậu Lê.

Trong tiềm thức của người dân, Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng về khát vọng tự giải phóng của người phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến; khát vọng đạt được những ước mơ về hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam được ký thác vào biểu tượng người mẹ gắn với một truyền thuyết về bà chúa Liễu:

“Liễu Hạnh là con Ngọc Hoàng, tính tình phóng túng, không chịu theo khuôn phép nhà trời. Ngọc hoàng phạt dày nàng xuống trần ba năm…Liễu Hạnh hóa thân thành cô gái đẹp cùng vài nữ tỳ dựng quán hàng ở chân đèo Ngang, bên đường thiên lý. Ngày nào quán cũng đông khách. Bất cứ ai lên xuống đèo đều phải ghé lại cái quán duy nhất ở ven rừng có cô chủ quán xinh đẹp.

Nhưng, hễ ai vào nghỉ ngơi, ăn bánh, uống nước rồi tiếp tục lên đường thì không sao, còn ai giở trò cợt nhã, làm điều bất chính thì khi trở về, không lăn ra chết cũng hóa điên dại…Tiếng đồn đại về cô chủ quán đèo Ngang lan nhanh ra đến Thăng Long. Một hoàng tử con vua Lê Thánh Tông. Vốn ham mê sắc dục, liền cùng một số kẻ hầu người hạ, cải trang vào tận nơi để thỏa mãn tính hiếu kỳ…

Liễu Hạnh đã biết trước chuyện này, hóa phép thành cây đào tiên ven đường, có một quả chín mọng. Hoàng tử hái định ăn, thì quả đào nhỏ dần rồi biến mất. Chàng trai trẻ không hiểu việc Liễu Hạnh cảnh cáo mình, nên vào quán, nấn ná đến chiều rồi xin nghỉ lại…Đêm đến, cô chủ quán vẫn ngồi trò chuyện với Hoàng tử đến khuya. Chàng liền buông lời chòng ghẹo…bị cô từ chối, bỏ vào nhà trong. Chàng theo vào thì không thấy cô chủ đâu mà chỉ thấy một cô gái xinh đẹp khác. Chàng vừa đụng đến cô ta thì hóa ra đó là một con khỉ cái già. Chàng hoảng quá, rú lên. Bọn lính hầu nằm ngoài sân xông vào, con khỉ lại hóa thành con rắn mang hoa bò qua người hoàng tử rồi leo lên xà nhà, miệng phun lửa phì phì…

Hoàng tử được cấp tốc đưa về kinh kỳ và trở thành điên dại. Các thầy thuốc giỏi đều bó tay. Cuối cùng, nhà vua hỏi ra ngọn ngành, và có người mách cho, bèn sai người vào Thanh nhờ tám vị Kim Cương, bộ hạ của Phật bà, đánh nhau với Liễu Hạnh ba ngày ba đêm liền. Rừng núi đèo Ngang thành bãi chiến trường tan hoang…Tám vị Kim Cương không làm được gì Liễu Hạnh bèn về xin Phật bà giúp đỡ, mới bắt được Liễu Hạnh đưa về kinh…Liễu Hạnh xưng mình là con Trời, và việc nàng trừng trị bọn đàn ông hay chòng ghẹo đàn bà con gái là hợp phép nước. Nhà vua nghe xong, đổi giận làm lành, thả nàng về núi, khuyên không nên tàn hại dân lành…Ít lâu sau, Liễu Hạnh sinh một con trai, mỗi bàn tay đều có 6 ngón. Lúc ấy cũng là ngày hết hạn bị đày, nàng đem con đến  gửi cho một vị sư ở chùa trên ngàn Hống nhờ nuôi hộ và giúp cho con mình về sau được lừng danh, rồi về trời…”(1).

Về sau, nhân dân địa phương lập miếu thờ Liễu Hạnh công chúa trên vùng đất tương truyền là chợ Ba Đồng, nơi chúa Liễu Hạnh mở quán ngày xưa (?); người vùng này thường gọi là “quán bà chúa Liễu” hay “miếu bà chúa Sơn”. Trong miếu có 3 pho tượng (Tam tòa Thánh mẫu) và câu đối:

                             “Lục quý linh thông thần tự lại

                             Tam thừa diệu ứng phật như lai(2)

Đền thờ Liễu Hạnh công chúa vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh

chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.

Toàn bộ khuân viên Đền có diện tích gần 6.000 m2, gồm 03 tòa thờ Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam, trong đó 01 miếu thờ chính ngay vị trí là quán bà chúa Liễu” hay “miếu bà chúa Sơn”. Nhìn tổng thể đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách đối xứng, cân đối và hài hòa thể hiện sự trung chính, ngay thẳng và cũng là ước mơ của con người.

Chủ đề trang trí của Đền là các hình tượng như Tứ Linh (long, lân, quy, phụng), tứ thủ (cầm, kỳ, thi, họa), tứ quý (tùng, trúc, mai, sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long…Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của Đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối và đăng đối, chính bố cục này đã làm thêm phần trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa.

Đền Liễu Hạnh công chúa như một minh chứng cho sự tích trong truyền thuyết dân gian có từ lâu đời đã trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng. Vì vậy, di tích đền Liễu Hạnh công chúa, xét về quy mô, phong cách và vị trí của nó trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để chúng ta trân trọng, bảo tồn.

Hiện nay Đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố. Hàng năm vào dịp Lễ tết, ngày rằm, mồng 1 đón lượng khách thập phương đến đi Lễ tương đối đông. Tuy nhiên địa phương cần có sự quan tâm, quảng bá về sự tích, giá trị tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử Đền Liễu hạnh Công chúa sâu rộng hơn nhằm phát huy thế mạnh du lịch văn hóa, tâm linh góp phần vào sự phát triển của quê hương.

ĐỀN THỜ  CHẾ THẮNG PHU NHÂN NGUYỄN THỊ BÍCH CHÂU

Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu

Theo lộ trình từ Bắc vào Nam, Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tọa lạc tại thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, cách quốc lộ 1A 8km về phía Đông. Trải qua sự biến thiên của thời gian và lịch sử, “Đền thiêng nơi cửa biển” vẫn giữ được vẻ cổ kính, linh thiêng và trở thành địa chỉ du lịch tâm linh của du khách thập phương.

Bà Nguyễn Thị Bích Châu quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, con gái của một vị quan đại thần họ Nguyễn nổi tiếng thanh liêm. Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373), bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm Tả cung Quý phi, lấy hiệu là Phù Dung. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu thảo bản “Kê minh thập sách” dâng lên nhà vua, được vua khen là thông tuệ.

“Kê minh thập sách” của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu đã đưa ra được những điểm trọng yếu nhất, thiết thực nhất về đường lối Chính trị, Văn hóa, Quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước. “Kê minh thập sách” không chỉ phù hợp với thời đại của nhà Trần lúc bấy giờ mà còn có giá trị to lớn đối với các thế hệ sau này.

Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, khuyên ngăn vua không được, bà bèn xin đi theo để hộ giá. Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn), vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới dâng lên để lập mưu trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Trong trận giao chiến này, Nguyễn Thị Bích Châu đã bị trúng tên độc và từ trần vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 02 năm 1377. Ba ngày sau, Vua Trần Duệ Tông vì thua trận, một phần cũng vì thương nhớ Quý phi Bích Châu nên đã lâm bệnh và băng hà. Lúc bấy giờ, vua Trần Phế Đế lên ngôi và lệnh đưa linh cữu của Quý phi Bích Châu về triều để mai táng. Tuy nhiên, lúc đến cửa biển Kỳ Hoa gặp phải mưa to gió lớn không thể đi tiếp được, vua Trần Phế Đế liền xuống chiếu cho an táng thi hài Bà tại đây và lập miếu để nhân dân thờ phụng, hương khói.\

Hơn 90 năm sau niên hiệu Hồng Đức thứ nhất 1470, vua Lê Thánh Tông trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa phát hiện ngôi miếu, vua liền dò hỏi dân chúng địa phương, vào dâng hương và viết bốn chữ “Nữ Trung Hào Kiệt” dán lên bài vị và nói: “Tiền triều người là bậc cứu quốc anh hùng vì nước, vì vua mà bị vong thân, nay ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp trẫm kì khai đắc thắng, mã đáo thành công, khi bản sứ về triều trẫm sẽ khởi công lập miếu phong tặng”. Ngay đêm đó được mộng lành, vua Lê Thánh Tông liền cho xuất quân lên đường dẹp giặc, khi thắng trận trở về vua đã cho quân cùng dân chúng địa phương xây dựng lại lăng mộ với ba tòa điện lớn và quy mô hơn như bây giờ gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện để ghi nhớ công ơn của liệt nữ Nguyễn Thị Bích Châu và đã ban chiếu sắc phong cho đền là Chế thắng Phu nhân. Có một thuyết khác kể rằng, nàng Bích Châu đã tự nguyện hy sinh thân mình làm vật tế thần biển để cứu vua và đoàn quân.

Đền Nguyễn Thị Bích Châu được xây dựng vào thế kỷ thứ XIV, tọa lạc trên một cồn cát cao và khá rộng với diện tích là 26.370m2. Ngay từ cổng chính, du khách sẽ nhìn thấy 2 câu đối bằng chữ Hán:
 

               Kê Minh Thập Sách thánh trí truyền lưu phù Việt Quốc
                   Chế thắng Phu nhân Mẫu ân vĩnh bảo hộ Nam dân
                          (Kê Minh Thập Sách trí tuệ thánh hiền truyền lưu phù nước Việt
                            Chế thắng Phu nhân ơn mẹ dài lâu gìn giữ giúp dân Nam)
 


 

Qua cổng chính sẽ đến miếu Ông quan Tả, là nơi du khách thắp hương trước lúc vào làm lễ. Nhà quan Tả có tượng ông quan Tả với tư thế đứng oai vệ, tay phải cầm giáo, tay trái cầm gươm oai phong lẫm liệt để trấn giữ đền thiêng; tượng cao 3m, rộng 0,8m. Qua nhà quan Tả là đến cổng Tam quan, với đường vào được cấu trúc hình cầu có bậc cấp lên xuống; cổng có 2 cột nanh cách nhau 3,3m hình vuông, trên đỉnh cột được chạm trổ tượng hai con nghê chầu. Trước cổng Tam quan được xây dựng hai nhà để chuông và khánh.

Vượt qua cổng Tam quan du khách sẽ đến ngay khu vực điện thờ chính của Quý phi Bích Châu, bao gồm ba tòa đó là Hạ điện, Trung điện và Thượng điện, ba điện nối liền nhau theo kiểu chữ Công.

Cách thềm Hạ điện 5m có đặt một bô hương cao 0,95m, rộng 0,45m, dài 0,65m, hai bên có hai chú voi đứng phủ phục trên bệ. Nhà Hạ điện rất bề thế, được bố trí rộng 3 gian với hệ thống mặt tiền trang trí khá cầu kỳ và công phu. Phía trong nhà Hạ điện, trên hết là hình “lưỡng long chầu nguyệt”, ở gian giữa bên trên treo bức hoành phi được sơn son thiếp vàng đề chữ Thánh Đức Lưu Phương” để khẳng định và ca ngợi công đức của Chế thắng Phu nhân, phía dưới là bàn thờ các ban vị hội đồng. Hai bên tả hữu có khắc hai câu đối bằng chữ Hán.

Đi tiếp là nhà Trung điện, hai bên tả hữu được đặt tượng phù điêu các quan hầu. Nối liền với Thượng điện là nhà dâng hương hay còn gọi là phủ hầu - nơi thờ các cung tần hầu Thánh mẫu; hai bên bàn thờ nhà dâng hương được treo hai câu đối bằng chữ Hán của Tri huyện Kỳ Anh Lã Xuân Oai niên hiệu Tự Đức 1867 khắc vào ván gỗ sơn son thiếp vàng sặc sỡ.

Qua nhà dâng hương là đến Thượng điện, gồm 3 gian, bàn thờ có mâm bồng, tượng của Chế thắng Phu nhân được dát vàng với thần sắc dung nhan dịu dàng toát lên vẻ thông minh, tinh anh, nhân từ, đôn hậu nhưng quyết đoán.

Gian bên tả Thượng điện có tượng quan Võ hầu cưỡi hổ, tay cầm đại đao, sắc khí bừng bừng uy nghi dũng mãnh. Bên hữu là tượng Khâm sai cưỡi ngựa, tay cầm bút quyển thông thái và kiên nghị. Tại đây, tương truyền phía sau bàn thờ có mộ của Chế thắng Phu nhân được an táng từ thế kỷ XIV.

Phía bên trái nhà Thượng điện là nhà Sắc, gồm 2 tầng với cấu trúc cầu kỳ và cổ kính, tầng trên hình chóp, tầng dưới hình vuông, cửa hình vòm. Trên vòm cửa chính là ô đắp nổi hình rồng phượng ôm cuốn thư khắc 3 chữ “Tư Cảnh Phúc”. Tầng 2 của nhà Sắc là nơi thờ và cất giữ các sắc phong qua các triều đại.

Xung quanh nhà Sắc có hành lang rộng 0,7m có thành chắn bên ngoài, 4 phía có 4 cột trụ, các bề mặt cột trụ được trang trí hình ảnh mang tính đặc thù của dân tộc Việt Nam có tính nghệ thuật cao. Phía bên trái của Nhà sắc còn có một cổng phụ nằm ở phía Tây Nam, ngay bên trái của cổng phụ là nhà Văn bia được xây dựng vào năm 2009, đây là nơi để tấm bia đá khắc “Kê minh thập sách” của bà, với 2 loại chữ Quốc ngữ và chữ Hán nho.

Trải qua các triều đại phong kiến, Nguyễn Thị Bích Châu đã được nhiều sắc phong như Chế thắng Phu nhân, nhân dân tôn bà là Loan Nương Thánh Mẫu hay Mẫu Kỳ Anh. Bà đã được tôn lên hàng Mẫu vào khoảng thời gian khá sớm trong đời sống tâm linh của quần chúng nhân dân Việt Nam.

Gần 700 năm tồn tại, trải qua bao biến cố của lịch sử, chiến tranh và thiên tai, nên kiến trúc của đền phần nào bị phong hóa mai một, không còn nguyên nét đẹp vốn có. Song, đây vẫn là một di tích lịch sử đồ sộ mang nhiều ý nghĩa to lớn. Ngày 03/8/1991, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định công nhận đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

Đền chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được nhân dân cả nước biết đến là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng - nổi tiếng chính bởi sự linh thiêng của ngôi đền. Hàng năm, cứ đến đêm 11 rạng ngày 12/2 âm lịch, nhân dân địa phương và đạo hữu xa gần đều về đây dâng hương tế lễ kỷ niệm ngày mất của bà và cứ mỗi dịp Xuân về cũng là lúc hàng triệu du khách thập phương trong và ngoài tỉnh về đây để chiêm bái, dâng hương cầu tài, cầu lộc, cầu bình an may mắn cho cả một năm mới thuận lợi, bình an. 

ĐỀN EO BẠCH 

Đến huyện lỵ Kỳ Anh, đi về hướng đông theo con đường liên xã, hay xuôi theo dòng sông Trí khoảng 7 - 8km, tới thôn Hải Khẩu (xã Kỳ Ninh), sẽ thấy một ngôi đền đẹp - đền Eo Bạch.

Cổng đền Eo Bạch.

Đền Eo Bạch thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu, tọa lạc dưới chân núi Ô Tôn, thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đền còn có tên gọi khác là đền Bà Hải, đền Hải Khẩu hay đền Chế Thắng phu nhân. Đền là nơi ghi dấu một chứng tích chiến tranh thời nhà Trần của dân tộc ta. Trong lịch sử Việt Nam cách đây 628 năm đã xảy ra một cuộc giao tranh giữa quân đội nước Đại Việt thời Trần với những thế lực gây hấn ở phương Nam.

Danh truyền Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu, quê xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong một gia đình dòng dõi, được dạy dỗ chu đáo từ nhỏ nên khi lớn lên, bà đã trở thành một người phụ nữ văn võ song toàn.

Năm Long Khánh thứ nhất (1373), vua Trần Duệ Tông giáng chiếu kén chọn nhân tài vào cung phi, con gái các làng xã từ 16 đến 18 tuổi đều phải hồi triều dự thi. Bà Bích Châu trúng tuyển, vua phong bà là Tả Cung Quý Phi. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần đang suy vong, triều cương buông lỏng, chính sự sút kém, nhân tài không được trọng dụng..., cung phi Nguyễn Thị Bích Châu bèn thảo bản "Kê minh thập sách" dâng lên nhà vua và được vua khen là thông tuệ.

Năm 1377, vua Trần Duệ Tông có ý định đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành, nhiều người khuyên can, song vua không nghe. Lúc này, bà Nguyễn Thị Bích Châu bèn viết bài biểu dâng lên vua. Bài biểu viết: "Thiếp trộm nghĩ: Việc trị đạo trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng được yên lành, muốn trị kẻ rắn nên mềm dẻo thuyết phục, muốn quy phục ta cốt lấy đức. Vua đời Ngu chỉ múa nhạc mà 7 tuần giặc Hữu Mưu phải hàng. Vua nhà Hạ chỉ gảy đàn mà chặn một tháng rợ Hồ quy phục, đó là thượng sách, xin bệ hạ xét đoán cho minh...". Bài biểu dâng lên nhưng vua không chấp thuận.

Đến khi vua Trần Duệ Tông cất binh chinh phạt Chiêm Thành, cung phi Nguyễn Thị Bích Châu nài đi theo quân lính và được vua chuẩn y. Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn), vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới quan quân ta để trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Nguyễn Thị Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột, cầm quân xung trận và bị trúng tên độc, bà từ trần. Ba ngày sau, vì bệnh nặng lại thương tiếc quý phi, nhà vua phiền não nên cũng băng hà. Quân nhà Trần đưa thi thể đức vua và quý phi rút về kinh, khi tới Châu Hoan gặp sóng to gió lớn phải ghé vào vũng Ô Tôn (cảng Vũng Áng ngày nay).

Lúc này, triều đình lập vua mới, vua Trần Phế Đế lên ngôi. Nhà vua lệnh cho quần thần rước linh cữu vua Trần Duệ Tông về bằng đường bộ, còn linh cữu của quý phi Bích Châu đi đường biển bằng tàu. Hôm sau biển lặng, đoàn tàu nhổ neo tiến về Bắc, nhưng mới tiến được 50 dặm lại bị gió bắc tràn về không thể đi được. Quan hướng đạo đành thu quân vào dựa tại Vũng Áng, thuộc Kỳ Hoa. Chờ lâu ngày biển vẫn không lặng, triều đình đành xuống chiếu cho quan quân an táng linh cữu và lập miếu thờ quý phi tại núi Ô Tôn, vùng Eo Bạch, huyện Kỳ Hoa, thuộc châu Hoan.

Năm 1470, trong một lần đem quân đi đánh Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông dừng chân hạ lệnh soạn đồ tế lễ, dâng hương tại miếu thờ quý phi Nguyễn Thị Bích Châu. Đêm đó, vua có mộng lành, liền động binh xuất cờ tiến quân dẹp giặc. Chiến thắng trở về, vua trở lại nơi đây và sai quân lính vào rừng đốn gỗ lim, lên núi đào, gọt đá, huy động các thợ nề, mộc giỏi xây dựng lên ba tòa điện thờ và sắc phong cho bà là "Chế Thắng phu nhân" (nghĩa là: Người phụ nữ đã sắp đặt mưu lược để thắng địch).

Cồng đền Eo Bạch khi chưa trùng tu.

Theo truyền thuyết, đền Eo Bạch đã có từ cách nay hơn 600 năm, tiền thân chỉ là một miếu nhỏ. Trải qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu, nâng cấp, hiện nay, đền có quy mô khang trang hơn. Mặt đền hướng ra cảng biển, lưng tựa vào núi. Cửa biển Hải Khẩu (cảng Vũng Áng ngày nay) được biết đến là cảng biển sâu nhất Việt Nam, nổi tiếng với nhiều hải sản quý như tôm, cua, ghẹ, mực... Cách đền một quãng là núi Bàn Độ (đỉnh núi bằng phẳng giống như cái mâm vàng đặt qua biển nên được gọi là Bàn Độ) có đầm Tiên Nữ, có bàn cờ tiên, ngày xưa có rất nhiều hươu sao...

Nay, đền Bích Châu nằm trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m2, quay về hướng đông nam. Phía trước đền, từ trái sang phải là núi Ô Tôn. Sau lưng đền, xa xa là núi Bàn Độ có đầm Tiên nữ, có bàn cờ tiên, xưa là nơi có rất nhiều hươu sao. Đỉnh núi bằng phẳng giống như cái mâm vàng đặt qua biển (kim bàn đồ hải) nên có tên là núi Bàn Độ. Đền được xây dựng thời Trần chỉ có tiền miếu hậu lăng, đến năm 1470 đền có 3 toà, trải qua thời gian đền được tu sửa tôn tạo nhiều lần.

Từ khi lập miếu thờ cho đến nay, nhân dân địa phương cũng như đạo hữu gần xa cứ đến ngày 12 tháng 2 Âm lịch lại về đền Eo Bạch hành hương tưởng nhớ công ơn của Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu. Đây còn được biết đến là một địa chỉ "du lịch tâm linh" nổi tiếng chính vì sự linh thiêng của ngôi đền.

Tối ngày 29/1/2017, tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm Đinh Dậu - 2017, du khách khắp nơi đã đổ về cầu an, cầu phúc tại đền. Ban quản lý đền đã phải bố trí thêm nhiều điểm dâng hương - khấn lễ.

ĐỀN THỜ VÀ MỘ LÊ QUẢNG CHÍ – LÊ QUẢNG Ý

      Đền thờ và mộ Lê Quảng Chí - Lê Quảng Ý nằm cạnh đường Quốc lộ 1A, thuộc TDP Hồng Sơn, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đền được Nhân dân và con cháu lập nên để thờ hai anh em ruột Lê Quảng Chí-Lê Quảng Ý và được Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận, xếp hạng là di tích danh nhân Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 51 QĐ/BT ngày 29/01/1996.        

       Hai anh em ruột Lê Quảng Chí-Lê Quảng Ý quê ở làng Thần Đầu, phủ Hà Hoa, nay thuộc phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, hai anh em đã làm sáng danh cho quê hương bằng trí thông minh và đức tính cần cù. Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, không có điều kiện học hành nên buộc phải đi ở nhờ cho một gia đình giàu, hai anh em vô cùng vất vả, song với tấm lòng hiếu học, trí thông minh trời phú, vào lúc tối trời khi công việc gia chủ giao cho đã xong, hai anh em bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh làm đèn học. Với ý chí dùi mài kinh sử để vượt lên cuộc sống khốn khó hàng ngày.

       Lê quảng chí (1451-1533)

       Năm Mậu Tuất 1478 tiến triều mở khoa thi, ông đã đậu Tiến sĩ cấp đệ, được vua ban chức Tả Thị Lang bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sỹ, vua Thánh Tông mời ông vào làm quan và nhờ ông dạy Thái Tử thành người. Năm 60 tuổi ông về quê và mở trường dạy học lấy hiệu “Lãm sơn Tiên sinh” có sách chép rằng “Hoành sơn Tiên sinh”. Ông mất lúc 82 tuổi được tặng phong Thượng thư, khi ông mất, vua kính nể đã không kìm nổi nước mắt xúc động, tự tay đề “Lam Sơn Lê tiên sinh linh ứng”. Mộ ông được chôn dưới chân núi Hoành Sơn, nay vẫn còn nguyên chỗ cũ.

       Lê Quảng Ý (1453-1526)

       Năm 46 tuổi đỗ đồng Tiến sỹ khoa Kỷ vị năm Cảnh Thống thứ 2 đời Lê Hiến Tông (1499), làm quan đến Hàn lâm viện thị thế, đặc tiến kim tủ vinh lộc đại phu hiến sứ, kiêm Đệ lĩnh tú thành quân vụ, tước bảng quận công. Ông là người văn võ kiêm toàn, nhiều lần vâng lệnh triều đình cầm quân cùng với vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc ngoại xâm, đưa nền thái bình về cho đất nước. Ông là người cương nghị, tinh thông cả văn lẫn võ, được triều Lê kiêng nể, trọng dụng.

        Vào những ngày hội Tao đàn, hai anh em thường xuất hiện như ngôi sao sáng trong làng thơ văn. Sự nghiệp văn chương hai em Lê Quảng Chí-Lê Quảng Chí đã để lại cho nền văn học đương thời nhiều tác phẩm văn học có giá trị, đặc biệt 5 bài thơ nổi tiếng ở cung thành. Tài thi họa của hai ông đã được các danh sĩ đương thời mến mộ, ý thơ viết đẹp trong sáng, lời lẽ trau chuốt, giàu tính nhân văn Để tỏ lòng biết ơn và ghi tạc sự đóng góp của hai vị tiền bối có công lớn với quê hương đất nước, nhân dân và con cháu trong làng Thần Đầu đã lập đền thờ hai ông gọi là đền thờ Lê Quảng Chí - Lê Quảng Ý, nhân dân vẫn thường quen gọi là đền Thánh Trạng. 

           Ngày nay, đền thờ và mộ hai anh em đã trở thành một trong những di tích có ý nghĩa rất lớn về giá trị lịch sử, văn hóa. Hàng năm, được bà con Nhân dân trong vùng và du khách thập phương về thắp hương cầu lộc, cầu tài, cầu đỗ đạt, hanh thông trong sự nghiệp, đặc biệt là học sinh, sinh viên thường đến đây để thắp hương cầu đỗ đạt cao trước mùa thi cử.

 

 

   

 

 

 

Bản đồ thị xã Kỳ Anh
 Liên kết website
Thống kê: 2.693.625
Online: 48