Trong tháng 02/2022 có 07 Nghị định, 06 Quyết định, 99 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

1. Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 15/02/2022

 Theo đó, những người có công với cách mạng như thương binh, bệnh binh… sẽ được hỗ trợ về nhà ở bằng các hình thức:

- Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.

- Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất).

- Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng.

- Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

- Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng.

Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi chung là thương binh) như:

- Địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng được xác định theo quy định tại Phụ lục III Nghị định 131/2021. (So với hiện hành, bổ sung địa bàn địch chiếm đóng).

- Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn dễ xảy ra tai nạn, bao gồm các địa bàn theo Phụ lục IV Nghị định 131/2021. (So với hiện hành, bổ sung địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo).

- Trực tiếp phục vụ chiến đấu là thực hiện nhiệm vụ lúc trận đánh đang diễn ra hoặc khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hóa, các trường hợp đảm bảo chiến đấu.

- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm là trực tiếp thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giao nhằm điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội...

2. Nghị định 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực từ ngày 15/02/2022

Theo đó, Nghị định có một số quy định mới liên quan đến hoạt động phòng, chống tham nhũng. Trước đây, Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu khi:

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng, hoặc:

- Hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Tuy nhiên, đến Nghị định 134, Chính phủ chỉ quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Cho dù hết thời gian tạm đình chỉ, tạm chuyển công tác mà chưa có kết luận là không tham nhũng thì cũng vẫn không được trở lại vị trí công tác cũ.

Bên cạnh đó, vụ việc tham nhũng được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trước đây, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 05 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

3. Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hiệu lực từ ngày 02/02/2022

Thông tư quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:

- Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.

- Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.

- Tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.

- Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

4. Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022

Theo Thông tư này, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của người lao động không quá 72 giờ, trong khi trước đây là không quá 64 giờ; tổng số giờ làm thêm trong một tháng được Thông tư này quy định là không quá 40 giờ, thay cho quy định không quá 32 giờ như trước đây.

Đáng chú ý, kể từ ngày 01/02/2022, khi đi làm thêm vào các ngày lễ, tết, người lao động làm công việc thời vụ cũng sẽ không còn được nghỉ bù như quy định trước đây, mà chỉ được tính hưởng lương làm thêm giờ cho ngày làm việc đó.

5. Thông tư 21/2021/TT- BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022

Theo đó, Thông tư đã bổ sung một số nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động, cụ thể:

- Giáo dục định hướng trước khi đi làm việc.

- Việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

- Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, các nội dung khác trong hợp đồng xuất khẩu lao động được giữ nguyên, đơn cử như:

- Thời hạn làm việc;

- Ngành, nghề công việc phải làm;

- Điều kiện, môi trường làm việc;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- An toàn, vệ sinh lao động;   

- Tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có);

- Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc;

- Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định về khoản tiền dịch vụ mà người đi xuất khẩu lao động phải nộp khi sang làm việc tại một số thị trường lao động. Theo đó, có 04 trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:

- Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).

- Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình Thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc Thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

- Sang Malaixia làm giúp việc gia đình.

- Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

Trong khi đó, nếu sang Nhật Bản làm lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định; sang Đài Loan làm hộ lý và y tế tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão; sang Hàn Quốc làm thuyền viên đánh cá gần bờ thì người lao động phải nộp tiền dịch vụ bằng 0,7 tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng, và tối đa 01 tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Nếu sang Đài Loan làm người chăm sóc bệnh nhân tại gia đình, giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ thì mức phí này là 0,4 tháng lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng và tối đa 01 tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên…

6. Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022

Theo đó, mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH năm 2022 có sự tăng nhẹ. Cụ thể:

Giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995: Tăng 0,09.

Giai đoạn đóng BHXH năm 1995: Tăng 0,08.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 1996 - 1999: Tăng 0,07.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2000 - 2003: Tăng 0,06

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2004 - 2007: Tăng 0,05.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2008 - 2009: Tăng 0,04.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2010 - 2013: Tăng 0,03.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 - 2020: Tăng 0,02. 

7. Thông tư số 16/2021/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2021 của Bộ Văn hoá thể thao du lịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa có hiệu lực từ ngày 05/02/2022

Theo đó, đã bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với viên chức ngành di sản văn hóa ở cả ba hạng (II, III, IV).

Đối với chức danh nghề nghiệp viên chức ngành di sản văn hóa hạng I mới bổ sung cũng không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Như vậy, từ ngày 05/02/2022, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức ngành di sản văn hóa gồm 02 tiêu chuẩn, cụ thể:

- Có bằng đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực di sản văn hóa.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa.

Thông tư  này thay thế Thông tư liên tịch 09/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 11/12/2015.

8. Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTA ngày  15/12/2021 quy định hướng dẫn chi tiết thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 01/02/2022

Theo đó, Thông tư quy định yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến như sau:

- Tuân thủ quy định nội quy phòng xử án.

- Luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; khi được yêu cầu thì mới phát biểu.

- Không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa.

- Người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.

- Đương sự, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại tham gia phiên tòa trực tuyến phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân (như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý) để đối chiếu.

Trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền còn phải xuất trình văn bản ủy quyền.

Theo Nghị quyết 33/2021/QH15 từ ngày 01/01/2022, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến trong một số trường hợp được quy định tại Nghị quyết.

9. Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 14/02/2022

Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên; không so sánh học viên với nhau.

Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.

Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.

Đánh giá bằng điểm số: Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong từng học kì, điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong cả năm học. Kết quả học tập của học viên trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 trong 04 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:

- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6

- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10

- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11

- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

Trên đây là một số văn bản pháp luật có hiệu lực trong tháng 02/2022, Ủy ban nhân dân phường Kỳ Phương tổng hợp cung cấp thông tin đến các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ thực hiện./.

                                                         

                                                            ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Sơ đồ địa giới hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 202.417
    Online: 82