1. Vị trí địa lý, địa hình

Kỳ Nam là đơn vị hành chính cơ sở thuộc thị xã Kỳ Anh [1], nằm về phía Đông Nam thị xã, cách khu kinh tế Vũng Áng 15 ki-lô-mét, cách trung tâm thị xã gần 30 ki-lô-mét. Địa giới hành chính được xác định: Phía Bắc giáp phường Kỳ Phương; phía Nam giáp xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình); phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Kỳ Nam nằm trong dãy đất nhỏ hẹp của Bắc miền Trung, phía Tây có nhiều ngọn núi với chiều cao 400 - 650 m, phía Đông là biển, ở giữa là dãy trung du nhỏ hẹp. Địa hình với 70% là núi. Do kiến tạo địa lý, địa hình từ Tây sang Đông - Đông Bắc nên đất đai vùng này bị xói mòn, kém màu mỡ, thiên tai khắc nghiệt, đời sống sản xuất bấp bênh.

2. Khí hậu, thủy văn

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa hai đới khí Bắc - Nam, Kỳ Nam chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm từ 22oC - 24oC. Độ ẩm không khí bình quân 85%. Lượng mưa bình quân năm 2.943 mm. Lượng bốc hơi bình quân năm: 1.080 mm. Do đó, tạo nên khí hậu của vùng này được phân ra hai mùa rõ rệt.

Mùa khô được bắt đầu từ tháng 4 đến đầu tháng 9. Thời tiết mùa này nắng nóng, nhiệt độ có ngày lên đến 400C (tháng nóng nhất là tháng 6, tháng 7). Số giờ nắng trung bình trong các tháng là 178 giờ.

Mùa mưa được bắt đầu từ tháng 9 năm này đến tháng 3 năm sau. Mùa này, thường xuất hiện gió mùa Đông Bắc, mang theo không khí lạnh, gây mưa dầm. Nhiệt độ bình quân 190C, có những ngày xuống 90C. Lượng mưa trung bình 2000 mm, tập trung từ 70 đến 90% lượng mưa của cả năm.

Do cấu tạo địa hình nằm giữa vòng cung ba bề là núi, một phía là biển, nên ngoài việc chịu ảnh hưởng chung của thời tiết của vùng, miền, Kỳ Nam còn là vùng có tiểu khí hậu rất đặc biệt được ví như “ống gió, chảo lửa, túi mưa”. Về mua khô, thời tiết thường xuất hiện gió Tây Nam (còn gọi là gió Lào) thổi từ tháng 4 đến tháng 9, tốc độ trung bình 1,5 m - 2 m/giây, mang theo hơi nóng, khô, làm cho ruộng đồng nứt nẻ, mực nước xuống thấp, sông ngòi, giếng nước khô cạn. Mùa mưa thường có bão, xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10. Theo ước tính, trung bình mỗi năm có 03 cơn bão, có những cơn bão gió giật cấp 14, 15 kéo theo mưa lớn làm nước thủy triều dâng lên gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là các ngư dân ven biển. Tháng 10 đến tháng 4, thường có mưa dầm, có những năm mưa liên tục liền 02 tháng đã ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và sản xuất nông nghiệp.

Do vị trí địa lý, địa hình nên Kỳ Nam thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thủy triều. Nhật triều không đều (xuất hiện dao động từ 11 đến 14 ngày trong tháng) 2 lần nước lên và nước xuống, thời gian giữa triều lên và triều xuống lệch nhau khá lớn (hơn 5 giờ), biên độ cường triều đạt tới 2,5 mét - 3 mét tạo nên sự khác biệt rõ rệt giữa vùng đất này với các vùng ven sông, biển khác. Mặc dù, xã không có sông lớn chảy qua nhưng lại có nhiều khe tụ thủy do địa hình tạo nên. Chế độ thủy văn của hệ thống khe tụ thủy này phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm của khu vực.

Ngoài ra, xã Kỳ Nam có mực nước ngầm cao, cách mặt đất 0,5÷1,0 mét. Nước ngầm bị nhiễm mặn gây khó khăn sản xuất, đời sống nhưng lại tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy hải sản. 

Như vậy, đặc điểm địa hình và chế độ thủy văn đã hình thành ở vùng đất này hệ thống khe, hồ: hồ Con Bò (dung tích 1 triệu m 3), khe Bò,... hợp lưu đổ vào sông Nước Mặn (Xích Mộ) và rồi theo ra cửa nước Mặn. Đây cũng là nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp được lấy từ rừng rú về qua hệ thống mương thủy lợi. Trữ lượng nước đạt 70% cho phục vụ sản xuất nông nghiệp.

3. Tài nguyên thiên nhiên

Đất đai: Theo tài liệu thống kê năm 2018, tổng diện tích tự nhiên là 1.808,27 ha, Trong đó: đất nông nghiệp: 1.270,24 ha; đất phi nông nghiệp là 256,88 ha; đất chưa sử dụng là 281,16 ha.  

Theo tài liệu điều tra về đất đai thổ nhưỡng của tỉnh Hà Tĩnh và các cuộc điều tra bổ sung trên địa bàn huyện Kỳ Anh, thổ nhưỡng Kỳ Nam có các nhóm sau: Đất dốc tụ ven các đồi núi không bạc màu; đất feralit vàng, đỏ phát triển trên đá phiến thạch sét và biến chất dưới đồng cỏ; đất cát lắng phù sa cũ có sản phẩm feralit; đất feralit xói mòn mạnh trơ sỏi đá, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng đồi núi. Đặc điểm thổ nhưỡng của vùng này phù hợp trồng rừng, các loại cây công nghiệp, cây cảnh.

Tài nguyên rừng: Trước kia, đây là vùng rừng nguyên sinh, có thảm thực vật phong phú với nhiều loại gỗ, cây dược liệu quý và nhiều muông thú. Do quá trình lấn rừng, khai hoang mở đất, sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh nên diện tích rừng bị thu hẹp, muông thú, gỗ quý suy kiệt. Hiện nay, độ che phủ của rừng tự nhiên không còn nhiều, thay vào đó là loại rừng trồng, chủ yếu các loại cây như: keo, tràm, thông…dùng trong công nghiệp chế biến, tăng cường đảm bảo độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài đất rừng trồng cây công nghiệp, Kỳ Nam còn có một số diện tích đất rừng có thể trồng cây lương thực, thực phẩm như: lúa, ngô, rau màu.

Tài nguyên biển: Vị trí địa lý, địa hình có một mặt giáp biển, đường bờ biển dài (06 ki-lô-mét ) là lợi thế rất lớn trong việc phát triển du lịch.

Sơ đồ địa giới hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 139.711
Online: 79