Năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý một cách sáng tạo, hiệu quả và toàn diện, bám sát các mục tiêu, yêu cầu cải cách của Chính phủ…

rong năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra phương châm hành động của năm là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; đồng thời, chỉ đạo, quán triệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có các nội dung liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) để triển khai hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, đã thường xuyên theo dõi, đánh giá và đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao, bảo đảm tiến độ theo đúng lộ trình cải cách hành chính của Chính phủ; tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính năm 2019 của Ban Chỉ đạo.

Nhờ đó, khép lại năm 2019, bức tranh CCHC đã có nhiều điểm nhấn quan trọng được người dân, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh: Quang Hiếu/VGP 

Khi đánh giá những điểm nhấn trong công tác CCHC năm qua, hiện đại hóa hành chính là một dấu ấn đậm nét.

Đầu tiên phải kể đến là ngày 12/3/2019 Văn phòng Chính phủ chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Ngay trong lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký bằng chữ ký số, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng. Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia bằng hệ thống điện tử đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành để phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Và theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo WB…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.

Tiếp đó, chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 24/6/2019, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (Hệ thống e-cabinet) chính thức được đưa vào sử dụng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Việc đưa vào vận hành chính thức Hệ thống e-Cabinet cũng thể hiện quyết tâm trong cải cách hành chính, là bước đi lớn trong hiện thực hoá Chính phủ phi giấy tờ trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, trong những ngày cuối cùng của năm 2019, ngày 9/12, Chính phủ đã khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia với 08 nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp. Việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy. Một nền điều hành của Chính phủ không giấy tờ đang dần được hình thành.

Ước tính, tổng số tiền tiết kiệm được từ việc xử lý hồ sơ trực tiếp sang trực tuyến là khoảng 4.222 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, những dấu mốc trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử năm qua là những cải cách, đổi mới phương thức làm việc trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là sự thay đổi phong cách làm việc theo hướng quản trị hiện đại.

Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành Trung ương đang cung cấp 1.736 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4; 1.046 DVC có phát sinh hồ sơ, đạt 60.25%. Các địa phương đang cung cấp 49.412 DVC trực tuyến mức độ 3 và 4; 11.415 DVC có phát sinh hồ sơ, đạt tỷ lệ 23.10%. Các lĩnh vực có nhiều hồ sơ được xử lý trực tuyến là giao thông vận tải, tư pháp, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh và bảo hiểm xã hội…

Tinh gọn bộ máy, giảm hàng trăm lãnh đạo

 

Ảnh minh họa: CPV 

Điểm nhấn khác phải kể đến là về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc. Điển hình là Bộ Tài chính đã cắt giảm 63 phòng, ban và 193 Chi cục thuế tại Cục thuế cấp tỉnh, giảm 1.792 Đội thuế thuộc Chi cục thuế cấp huyện; cắt giảm 143 phòng thuộc Kho bạc nhà nước cấp huyện, giảm 48 đơn vị cấp tổ, đội; giảm 12 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan cấp tỉnh. Bộ Giao thông vận tải đã giảm được 32 tổ chức cấp phòng trở lên.

Tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 95 đầu mối tổ chức hành chính, qua đó, giảm 144 vị trí lãnh đạo; cắt giảm 158 đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó, giảm được 474 vị trí lãnh đạo.

Song song với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cũng có nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức năm 2020, với tổng biên chế là 253.517 người, giảm 8.68% so với năm 2015. Bộ Nội vụ đã thẩm định biên chế sự nghiệp của 63 tỉnh, 20/22 bộ, cơ quan và 08 cơ quan thuộc Chính phủ, với tổng biên chế sự nghiệp bộ, ngành Trung ương là 143.943 người (giảm 11,85%) và địa phương là 1.750.081 (giảm 4,26%) so với năm 2015.

Triển khai thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý theo quy định tại Kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị, thống kê ban đầu, 09/14 cơ quan Trung ương và 17/22 địa phương đã tổ chức thi tuyển được nhiều chức danh cán bộ, lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng. Bộ Nội vụ đang triển khai sơ kết, đánh giá để có cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả việc thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng trong thời gian tới.

Ngoài các điểm nhấn trên, CCHC năm qua còn đạt rất nhiều kết quả về cải cách thể chế, cải cách tài chính công, về cải cách thủ tục hành chính.

Trên thực tế, nỗ lực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa công tác kiểm tra chuyên ngành cùng với nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cấp chính quyền đã giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo kế quả Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện, năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 67/141 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Tăng cường cải cách hành chính trong năm 2020

Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2019, năm 2020, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh CCHC thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý một cách sáng tạo, hiệu quả và toàn diện, bám sát các mục tiêu, yêu cầu cải cách của Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện vụ CCHC được giao.

Đồng thời chú trọng công tác theo dõi, đánh giá và tăng cường khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động của CCHC. Bộ Nội vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ triển khai các hoạt động xác định Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020, đảm bảo chính xác, khách quan, thiết thực và hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trọng tâm vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, quản lý công chức, viên chức, tổ chức bộ máy và thể chế về môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử.

Nhiệm vụ quan trọng khác được Bộ Nội vụ nhấn mạnh là tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định thủ tục hành chính; thường xuyên rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính không phù hợp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các quy định pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, hoạt động kiểm tra chuyên ngành; thường xuyên chuẩn hóa các quy trình nội bộ, quy trình điện tử và thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn.

Thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý công chức, viên chức để cụ thể hóa các quy định mới tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuyển dụng, sử dụng công chức đúng với năng lực, tiêu chuẩn của vị trí việc làm đã được phê duyệt; triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai có hiệu quả Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp tỉnh, cấp bộ; nâng cấp Cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương, đáp ứng đầy đủ các tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.../.

 

 


 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Sơ đồ địa giới hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 96.360
    Online: 21