TÍN NGƯỠNG - TÔN GIÁO

Đến nay ở Kỳ Anh người ta chưa tìm thấy dấu vết của tín ngưỡng nguyên thủy và ảnh hưởng Cham-pa trong việc thờ cúng (1) . Cũng như các nơi khác, ngoài tục thờ cúng tổ tiên thì phổ biến vẫn là tín ngưỡng thành hoàng và nhiều miếu thờ sơn linh (ở miệt núi), thờ thần bốn phương nam bắc tây đông và thần cá Voi (ở miệt biển). Đáng chú ý là ở Kỳ Anh, cũng như ở Hà Tĩnh, truyền thuyết về bà chúa Liễu rất đậm và đèo Ngang được coi là một trong những nơi “phát tích” của bà chúa Liễu, đến nay dưới núi còn có miếu thờ bà. Nhiều nơi khác như Mỹ Sơn, Đan Du, Thanh Sơn, Đạo Nguyên, Trạch Hậu đều có đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu (thờ Liễu Hạnh công chúa) (2) . Ở rú Đọ, còn có đền Thánh Mẫu Càn Vương (3) và ở Hải Khẩu, Eo Bạch đền thờ Chế Thắng phu nhân cũng được gọi là đền Thánh Mẫu.

Cùng với việc thờ “Thánh Mẫu”, tục thờ sơn thần, ngư thần cũng khá phổ biến. Ở vùng Vọng Liệu, vùng rú Đọ có đền thờ các sơn thần “Cao các nhạc sơn” (có nơi ghi là “mạc sơn”), “Bát vạn sơn tinh công chúa” (có thể là một tên khác của Liễu Hạnh công chúa ?). Ở vùng ven núi đều có các miếu “cửa rú” thờ sơn linh. Ngoài ra, ở vùng Đại Hào có miếu “Chàng Bóng Bụt” (?), ở Ngưu Sơn thờ Bà Dàng (?), ở Lạc Sơn cúng Ngô Văn Ngạo và ở vùng biển lại cầu thần “Độc cước”, …(xem phần phong tục).

Tục thờ thần Cá - cá Voi, thường gọi cá Ông - rất phổ biến ở vùng biển Hà Tĩnh. Lúc có bão tố, cá Voi thường tới ẩn bên mạn thuyền do đó mà thuyền cũng có chỗ dựa an toàn. Vì vậy, dân đi biển coi cá Voi là cá thần, có nhân đức (nhân ngư). Khi cá chết dạt vào bờ, người phát hiện ra đầu tiên phải chịu đại tang, còn làng xã thì phải mua chiếu mới làm áo quan và tổ chức tống táng trọng thể, rồi lập miếu thờ. Ở Thuận Định (Kỳ Ninh), Kẻ Dỏ, Long Trì (Kỳ Phú), Hải Phong (Kỳ Lợi)…đều có miếu thờ Cá Ông. Gần miếu thường có “mộ Ông Cá”. Có nơi người ta đóng nhiều hòm gỗ lớn đựng xương cá để thờ trong miếu chứ không chôn. Sách “ Vũ trung tùy bút ” của Phạm Đình Hổ có chép chuyện “ông Nguyễn Tông Trinh làm Đốc thị Nghệ An (dưới thời Lê, đóng ở trấn lỵ Dinh Cầu -Thái KIm Đỉnh chú), lúc mới lên nhậm chức, có một con cá voi chết ở bờ bể, dài hơn một trăm thước (40m-TKĐ chú), bề ngang cũng chừng bấy nhiêu (?), quan địa phương lên trình ông biết. Ông liền cùng với đồng liêu đến nơi làm bài văn tế…” (4) .

Đặc biệt, Thành hoàng làng ở Kỳ Anh phần lớn là nhân thần. Đó là những người có công với làng, với một vùng quê, như Trần Rô, người lập ra làng Đan Du; Phạm Tiêm, người “ lấp cửa Lỗ, trổ Eo Bù ”, ngăn lụt và mở vùng Đồng Nại, tướng quân Võ Thắng ở Xuân Sơn; tổ sư nghề thợ bạc ở phường Ngân Tượng, tổ sư nghề gốm ở Nhân Canh, ba ông họ Chu đào sông ở Rú Voong…Đó là những văn thần, võ tướng người địa phương như Lê Quảng Chí, Lê Quảng Ý ở Thần Đầu; Phùng Trí Tri ở Liệt Thượng, Phan Nhàn ở Sơn Luật, Lê Tuấn ở Mỹ Lũ, Lan quận công Lê Thát ở Hữu Lệ, Thọ quận công Phạm Tiêm ở Hưng Nhân, Điện quận công Phạm Hoành ở Sơn Triều, Thái giám Võ Vương và hai quận công ở Thanh Sơn, Sùng lễ hầu họ Nguyễn ở Thần Đầu…Đó là những nhân vật lịch sử mà hành trạng quan hệ đến vùng đất này như Chế Thắng phu nhân Nguyễn Bích Châu, tướng quân Võ Thắng, Sát hải tướng quân Hoàng Tá Thốn (miếu ở núi Cao Vọng, Kỳ Lợi) (5) ; các trấn tướng Nghệ An đời Lê, làm quan và chết ở Dinh Cầu, Hào quận công Lê Thì Hiến, Trung quân công Lê Thì Liêu, Tiến quân công Lê Quang Hiểu (đền ở núi Bạch Thạch, Quyền Hành), Hải quận công Phạm Đình Trọng (đền ở núi Càn Hương và ở làng Hiệu Thuận)… (6)

Việc nhân thần được thờ nhiều hơn thiên thần và thần tự nhiên chứng tỏ lớp cư dân từ bốn năm thế kỷ lại nay có gốc gác bản địa xa xưa không nhiều, thậm chí rất hiếm. Đối với họ thần Thành hoàng làng là những người có tên tuổi, có sự tích rõ ràng, chứ không phải là những vị thần do con người tưởng tượng ra.

Đạo Phật đến đất Kỳ Anh cũng rất muộn. Chùa chiền ở đây đều mới thành lập từ cuối Lê, đầu Nguyễn. Chùa có sớm nhất cũng phải từ sau chiến tranh Trịnh-Nguyễn (TK XVII). Sách “ Đại Nam nhất thống chí ” (viết thời Tự Đức) chỉ chép ba ngôi chùa ở Kỳ Anh: chùa Bàn Độ, “ở sườn núi Bàn Độ, thôn Phú Duyệt phía tả chùa có suối dài 7-8 trượng, trên không có nguồn, dưới sâu không đáy, ngày đêm nước vẫn chảy rất trong mát”, chùa Phú Dẫn “trước chùa có núi đá đứng sững như hình rồng phượng, bên cạnh chùa có khe nước trong mát”, chùa Lý Nhân “ở trên gò đất thôn Lý Nhân, chùa rất anh linh, thề nguyền thường ứng nghiệm” (!). Ngoài ra viết về núi Yên Tâm, sách này có chép, “sườn núi có chùa, nay bỏ”. Một số làng xã khác cũng có chùa, nhưng hầu hết là chùa nhỏ, không có giá trị nhiều về lịch sử cũng như về kiến trúc: chùa Biểu Duệ (Kỳ Tân), chùa Đan Du (Kỳ Thư), chùa Thần Đầu (Kỳ Phương), chùa Đông Hải (Trảo Nha, Kỳ Khang), chùa Mỹ Lý (Vọng Liệu), chùa Phú Thượng (Kỳ Phú), chùa Thanh Sơn (Kỳ Văn), chùa Ngưu sơn (Kỳ Nam)... Các chùa đều đã mất hoặc hư hỏng, chỉ còn một số rất ít, Chùa Phúc Toàn (chùa Dền) ở Kỳ Châu là một ngôi chùa vào loại lớn hiện nay ở địa phương. Tuy nhiều làng có chùa nhưng rất hiếm chùa có sư trụ trì, việc thờ phụng do sãi chùa cùng lý dịch trong làng sắp đặt vào dịp thượng nguyên, trung nguyên…Dân làng không phải là tín đồ, mặc dầu họ vẫn kính trọng đức Phật cũng như kính trọng Thành hoàng (7) .

Nho học đã có từ đời Lê và khá thịnh đầu đời Nguyễn ở Kỳ Anh. Nhưng giới nho sĩ Kỳ Anh lúc đầu chỉ thờ Văn Thánh (Khổng Tử) ở Văn miếu Phương Cần (Mỹ Duệ) cùng với hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Mãi đến giữa đời Nguyễn, huyện mới dựng nhà Văn miếu ở Biểu Duệ (Kỳ Tân), nay vẫn còn cổng. Một số làng xã thịnh nho học cũng có nhà Văn Thánh làng. Lễ tế Văn thánh tiến hành hàng năm vào ngày “thượng đinh” (ngày đinh tháng hai âm lịch), do giới tư văn chủ trì.

Theo tài liệu của Giáo phận Vinh thì đạo Thiên chúa có cơ sở đầu tiên ở Kỳ Anh là Dụ Lộc (nay thuộc xã Kỳ Trinh) vào thế kỷ XVIII. Dụ Lộc là một trong 18 xứ đầu tiên có danh sách khi thành lập Giáo phận năm 1846. Linh mục người Pháp có tên Việt là “cố Châu” được “Địa phận truyền giáo phía nam xứ Bắc Kỳ” cử đến thôn Dụ Lộc thuộc tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Trinh) để hình thành xứ đạo ở đây. Từ xứ đạo Dụ Lộc đã phát triển thêm các giáo xứ trong huyện: Giáo xứ ở Quý Hòa (Kỳ Hà) năm 1863 do linh mục Xuân người Việt phụ trách; giáo xứ Dụ Thành (Kỳ Khang) thành lập năm 1921 do cụ Chế linh mục người Việt phụ trách; giáo xứ Đông Yên (Kỳ Lợi) thành lập năm 1930 do linh mục Vinh phụ trách; giáo xứ Châu Long (Kỳ Châu) do Pơre Kerbaol linh mục người Pháp có tên Việt là cố Khanh phụ trách, tiếp đến là cố Mỹ. Xứ Xuân Sơn (Vọng Liệu, nay Kỳ Lạc) thành lập năm 1933. Hiện nay ở Kỳ Anh có 10/33 xã, thị trấn có cơ sở tôn giáo với 3.561 hộ, 16.981 khẩu chiếm 9,7% dân số toàn huyện, có 1 giáo hạt, 7 giáo xứ và 17 giáo họ ở 7 nhà thờ xứ và 10 nhà thờ họ. Có 14 linh mục, 8 tu sĩ. Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đồng bào giáo dân Kỳ Anh luôn thực hiện “kính chúa yêu nước”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, trong đó tiêu biểu là ông Lê Lý ở xứ Dụ Lộc (xã Kỳ Trinh), Đại biểu Quốc hội các Khóa II, IV, V là người đã có công với địa phương và đất nước, được nhân dân tin yêu, kính trọng.

(1) Đây là một đề tài cần được quan tâm nghiên cứu.

(2) “Tam tòa Thánh Mẫu” hay “Tam phủ” là Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Đại Ngàn. Liễu Hạnh được coi là hóa thân của Mẫu Địa.

(3) Tức thái hậu họ Dương đời Tống ở Trung Quốc được thờ đầu tiên ở Cửa cờn (Càn Hải-Quỳnh Lưu-Nghệ An).

(4) Xem thêm bài Tục thi nấu cơm ở Long Trì

(5) Tướng nhà Trần, quê ở Nghệ An có công đánh Nguyên-Mông, sau được coi cửa biển ở Nghệ Tĩnh

(6) Một số đền miếu chưa rõ thờ vị thần nào như đền Chính Tiền (Kỳ Châu), đền Mỹ Sơn, Mỹ Lý, đền Phú Thượng…

(7) Hiện nay chưa có tài liệu khảo cứu về dấu vết của đạo Phật do người Chàm để lại trên đất Kỳ Anh.

 

Bản đồ thị xã Kỳ Anh
 Liên kết website
Thống kê: 2.201.001
Online: 29