Trong tháng 7/2020 có 12 Luật, 10 Nghị định, 18 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội chính thức thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

Theo đó, Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi bởi Điều 1, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi bởi Điều 2 với những điểm nổi bật như sau:

- Luật Tổ chức Chính phủ: Bổ sung thêm một số quyền của Chính phủ như quyết định số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, số lượng cấp phó tối đa của các đơn vị trực thuộc cơ quan Chính phủ…

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Bổ sung quy định về quốc tịch của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đồng thời cũng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp…

2. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

Từ ngày 01/7/2020, nhiều thay đổi lớn về hợp đồng làm việc của viên chức sẽ có hiệu lực theo quy định tại Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019; cụ thể:

Thứ nhất, Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn áp dụng với 3 đối tượng:

+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;

+ Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;

+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Còn trước 01/7/2020, hợp đồng làm việc áp dụng đối với:

 

+ Người đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

+ Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.

Có nghĩa, theo Luật mới, viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020 trở đi, không thuộc 2 trường hợp đặc biệt nêu trên, hết hợp đồng xác định thời hạn sẽ không được ký hợp đồng không xác định thời hạn mà ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn nếu đáp ứng được các yêu cầu đối với viên chức theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, thời hạn tối đa của hợp đồng làm việc xác định thời hạn là 60 tháng

- Trước 01/7/2020: Theo quy định tại Luật viên chức 2010 thì Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

- Từ 01/7/2020: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn có là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Thứ ba, xử lý đối với viên chức tuyển dụng trước 01/7/2020 nhưng chưa có hợp đồng làm việc không xác định thời hạn

Trường hợp này, Luật quy định xử lý như sau:

- Tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết;

- Sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, xử lý đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn hết hạn

Bổ sung quy định:

- Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức.

- Trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Thứ năm, thêm trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Trường hợp viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức.

3. Luật Giáo dục năm 2019 được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2020, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

Luật Giáo dục năm 2019 được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2020 với nhiều điểm mới so với Luật Giáo dục hiện đang có hiệu lực.

Một trong số đó phải kể đến việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp. Theo đó, từ 01/7/2020, trình độ “chuẩn” của giáo viên được yêu cầu cao hơn, bằng trung cấp sư phạm không còn được chấp nhận. Tuy nhiên, những người đang giảng dạy có bằng trung cấp sẽ được nâng chuẩn theo lộ trình do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 72 Luật 2019).

Ngoài ra, về việc biên soạn sách giáo khoa, Luật 2019 cũng khẳng định mỗi môn học có thể có một hoặc một số sách giáo khoa. Đồng thời, Luật cũng khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

4. Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 (thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2019), có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

- Theo đó, Luật bổ sung khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

- Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước:

+ Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng;

+ Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Bổ sung quy định về việc kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm bảo đảm mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng, Tổng kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Đơn vị được kiểm toán được quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

5. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 (thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 15/11/2018), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020

- Theo đó, Luật quy định rõ phạm vi thông tin bí mật nhà nước (BMNN) thuộc từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ như:

+ Thông tin về giáo dục và đào tạo có đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia;

+ Thông tin về y tế, dân số có thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số;

- Quy định thời hạn bảo vệ BMNN là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của BMNN đến hết thời hạn sau đây:

+ 30 năm đối với BMNN độ Tuyệt mật;

+ 20 năm đối với BMNN độ Tối mật;

+ 10 năm đối với BMNN độ Mật.

- Các trường hợp BMNN được giải mật toàn bộ hoặc một phần gồm có:

+ Hết thời hạn bảo vệ BMNN quy định tại Điều 19 và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 của Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018;

+ Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế;

+ Không còn thuộc danh mục BMNN.

6. Luật quản lý thuế 2019 (thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019), có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

- Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Như vậy, không còn quy định trong thời hạn 10 ngày làm việc như hiện hành yêu cầu người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế.

- Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế (hiện hành là 10 ngày làm việc). Trường hợp cấp lại do bị mất, rách, nát, cháy thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (hiện hành là 05 ngày làm việc).

- Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN đối với cá nhân trực tiếp quyết toán, là thời hạn chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

- Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử

- Thêm trường hợp được gia hạn nộp thuế

7. Luật dân quân tự vệ 2019 (thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 22/11/2019), có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

- Về thành phần của dân quân tự vệ:

+ Không còn phân chia dân quân tự vệ thành dân quân tự vệ nòng cốt và dân quân tự vệ rộng rãi như Luật dân quân tự vệ 2009;

+ Bổ sung thêm trong thành phần có dân quân tự vệ thường trực và dân quân tự vệ biển.

- Thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, đơn cử như:

+ Nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

+ Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

+ Người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

8. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

Luật này gồm 8 Chương và 52 Điều với nhiều nội dung đáng chú ý về thủ tục làm hộ chiếu. Có thể kể đến một số quy định như sau:

- Hộ chiếu được gắn chíp điện tử;

- Hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam mà không có sự phân biệt về độ tuổi;

- Có Căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ nơi nào…

9. Luật Thư viện được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

Tại Luật này, lần đầu tiên chính thức đưa ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc và từng bước hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, Luật Thư viện cũng có quy đinh về việc phát triển thư viện số, xây dựng tài nguyên, thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện…

10. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020

Bên cạnh việc xây dựng một Luật mới hoàn toàn về việc xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quy định về việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng được sửa đổi, bổ sung và chính thức được Quốc hội thông qua.

Nếu như trước đây, thị thực không được chuyển đổi mục đích thì khi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020, người nước ngoài đã được cho phép chuyển đổi mục đích thị thực trong một số trường hợp cụ thể.

Khi đó, thị thực mới sẽ có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.

Ngoài ra, Luật này còn bổ sung quy định cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, sửa đổi điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh…

11. Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

Theo đó, việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được quy định như sau:

- Sao tài liệu bí mật nhà nước là việc chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng nội dung bản gốc hoặc bản chính của tài liệu.

Chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước là việc ghi lại bằng hình ảnh tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Hình thức sao tài liệu bí mật nhà nước gồm sao y bản chính, sao lục và trích sao.

- Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành tại địa điểm bảo đảm an toàn do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước quy định.

- Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.

Nghị định 26/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002.

12. Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT ngày 19/5/2020 của Bộ Giáo dục Đào tạo hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020

Theo đó, Thông tư quy định 12 việc hiệu trưởng phải công khai:

-  09 việc phải công khai để nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động biết, đơn cử như:

+ Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của cơ sở giáo dục;

+ Các nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục;

+ Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cơ sở giáo dục;...

- 03 việc phải công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật:

+ Những việc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

+ Tất cả các quy định của cơ sở giáo dục liên quan đến việc học tập của người học theo quy định của pháp luật;

+ Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT thay thế Quyết định 04/2000/QĐ-BGDĐT ngày 01/3/2000.

13. Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 

Theo đó, Nghị định đưa ra lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như sau:

* Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi):

- Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm.

- Kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, áp dụng theo Biểu sau:

+ 4.000.000 đồng/năm đối với cơ sở lưu lượng nước thải bình quân từ 10 đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ);

+ 3.000.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 05 đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ).

+ 2.500.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 05 m3/ngày (24 giờ).

* Đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên: phí tính theo công thức sau: F=f+C. Trong đó:

- F là số phí phải nộp.

- f là mức phí cố định: 1.500.000 đồng/năm (kể từ ngày 01/01/2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm); trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I, số phí phải nộp tính cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm, mức phí cho 01 quý = f/4.

- C là phí biến đổi, tính theo: tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất theo Biểu tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 53/2020./.

                                                                                              

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Sơ đồ địa giới hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 204.362
    Online: 36